Các hoạt động M&A bất động sản diễn ra sôi động trong thời gian qua. Ảnh: Đ.V.

 
Đại Việt Thứ Sáu | 16/09/2022 11:44

Hoạt động M&A "cứu cánh" thị trường bất động sản?

Thời gian qua, hình thức sáp nhập hoặc mua lại (M&A) bất động sản đang diễn ra sôi động ở cả phía Nam và phía Bắc với nhiều thương vụ đình đám.

Tại khu vực miền Nam, các thương vụ M&A điển hình phải kể đến như Novaland mua lại dự án Kenton Node (huyện Nhà Bè) của Công ty Tài Nguyên; Viva Land thâu tóm dự án Saigon One Tower (quận 1); Masterise mua lại dự án Sài Gòn Bình An quy mô 117 ha; Tập đoàn Capital Land (Singapore) mua lại 8 ha đất tại TP Thủ Đức; tổ chức Gaw Capital Partners (Hồng Kông) cũng đầu tư vào Trung tâm dữ liệu cấp độ 3 rộng hơn 6.000 m2 tại Khu công nghệ cao TP.HCM…

Ở phía Bắc, Công ty CP Phát triển công nghiệp BW mua lại 7,4 ha đất tại KCN Bắc Tiền Phong (Quảng Ninh); CapitaLand Development cũng cam kết với tỉnh Bắc Giang phát triển dự án Khu đô thị - công nghiệp – logistics hơn 400 ha với giá trị cam kết đầu tư 1 tỉ USD, Viva Land mua lại tòa nhà Capital Place (Hà Nội) với giá 550 triệu USD...

Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cao cấp Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam, cho biết trong bối cảnh các quy định về tín dụng cho ngành bất động sản có nhiều thay đổi thì việc kêu gọi vốn thông qua hình thức M&A vẫn sẽ được các nhà đầu tư tin tưởng.

Nhận định về xu hướng M&A của các nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường bất động sản Việt Nam, ông Khương cho rằng đây là cơ hội lớn dành cho các doanh nghiệp trong nước. Việc liên kết giữa các nguồn lực tài chính khác nhau sẽ giúp cho doanh nghiệp cải thiện năng lực phát triển các dự án và thu hút nguồn khách hàng mới do các nhà đầu tư nước ngoài đem lại.

“Đối với những công ty niêm yết, điều này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thu hút vốn nước ngoài trên sàn giao dịch chứng khoán. Các công ty quy mô nhỏ với năng lực tài chính thấp cần phải có chiến lược tái cấu trúc lại danh mục đầu tư, đảm bảo hoàn thiện các thủ tục pháp lý của dự án”, ông Khương nói.

Còn theo đại diện của Cushman & Wakefield, thị trường M&A bất động sản đang diễn ra khá sôi động ở phân khúc nhà ở, văn phòng và khu công nghiệp. Trong đó, phân khúc nhà ở và bất động sản công nghiệp hứa hẹn sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động mua bán sáp nhập trong thời gian tới do nhu cầu còn cao.

Cushman & Wakefield đánh giá, thị trường bất động sản Việt Nam ngày càng đón nhật nhiều luồng quan tâm mạnh mẽ đến từ các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các dự án giải được bài toán lợi nhuận. Sự phát triển của các quỹ đầu tư tư nhân cũng cung cấp một lượng vốn dồi dào để thực hiện các thương vụ M&A.

Dự án Saigon One Tower được Viva Land thâu tóm và đổi tên thành IFC One Saigon. Ảnh: Đại Việt.
Dự án Saigon One Tower được Viva Land thâu tóm và đổi tên thành IFC One Saigon. Ảnh: Đại Việt.

Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, chia sẻ thì thị trường bất động sản đang chứng kiến ​​nhiều hoạt động M&A trong thời gian gần đây và được kỳ vọng mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan nhờ tiềm năng cao.

M&A bất động sản đang diễn ra ở tất cả các phân khúc nhưng đáng chú ý nhất là ở các dự án nhà ở. Đối với các quỹ đầu tư nước ngoài, trong nước hoặc các nhà phát triển lớn, M&A là chiến lược tăng trưởng nhanh và hiệu quả để tối ưu hóa danh mục đầu tư và tăng cường năng lực tài chính.

Theo ông David Jackson, kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhanh chóng, với GDP dự báo tăng từ 2,6% năm 2021 lên 7,5% năm 2022 (theo Ngân hàng Thế giới) – cho thấy sức chống chịu ấn tượng, bất chấp những bất ổn toàn cầu. Trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành bất động sản thu hút 3,15 tỉ USD, xếp thứ 2 trong những ngành có vốn đầu tư nước ngoài đổ vào nhiều nhất.

Cũng theo chuyên gia, thị trường bất động sản Việt Nam có quỹ đạo tăng trưởng bền vững cũng như có mức giá hợp lý nhất so với các thị trường mới nổi khác ở Đông Nam Á. Những điểm hấp dẫn này trên thực tế đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư đến từ Hồng Kông, Singapore và Hàn Quốc.

Ở một khía cạnh khác, Chính phủ đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia, thúc đẩy việc hình thành các dự án đô thị và khu công nghiệp mới. Điều này cũng tạo điều kiện cho các giao dịch M&A với các quỹ đầu tư nước ngoài trong bối cảnh các chủ đầu tư trong nước đang đối mặt với nhiều thách thức.

“Chúng tôi nhận thấy các hoạt động mua bán và sáp nhập tại miền Bắc diễn ra sôi nổi hơn”, ông David Jackson nói.

Vị chuyên gia này nhận định, đối với các dự án, những khó khăn của kinh tế vĩ mô như lãi suất tăng và chi phí xây dựng tăng đang khiến các chủ đầu tư khá “chật vật” về tài chính. Do đó, M&A dường như là giải pháp tốt nhất có thể để đảm bảo dự án được tiếp tục phát triển.

Hoạt động M&A sẽ đóng vai trò then chốt để “giải cứu” các nhà phát triển bất động sản trong nước. Hoạt động này cũng như phù hợp với tâm lý của các nhà đầu tư tin tưởng vào tiềm năng của bất động sản Việt Nam. Do đó, M&A được kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản sôi động hơn trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm:

Điều chỉnh room tín dụng "mở đường" cho vốn ngoại đổ vào bất động sản