Thứ Sáu | 25/10/2013 15:19

Hiến kế khai thác hiệu quả hầm đường bộ bền vững

Các hầm đường bộ đã góp phần cải thiện năng lực của các tuyến giao thông trọng điểm song quá trình sử dụng đang gặp phải một số vấn đề.
Các hầm đường bộ tại Việt Nam đã góp phần cải thiện, nâng cao năng lực của các tuyến giao thông trọng điểm song quá trình khai thác, sử dụng đang gặp phải vấn đề về môi trường, phòng chống cháy nổ, độ rung, ồn quá mức cho phép…

Nhiều đại biểu dự Hội thảo quốc tế khai thác hầm đường bộ bền vững (diễn ra trong 2 ngày 24-25/10), tại TP Đà Nẵng, đã đề xuất, hiến kế để giải quyết các vấn đề bất cập trong quá trình khai thác, vận hành và bảo trì hầm đường bộ của Việt Nam.

Theo Bộ Giao thông vận tải, trong quá trình quản lý và khai thác, các hầm đường bộ trên cả nước đều phát sinh hiện tượng gây ô nhiễm môi trường như: bụi lơ lửng, các loại khí độc trong hầm đường bộ, tiếng ồn, độ rung... quá quy chuẩn cho phép.

Bên cạnh đó, trong các hầm đường bộ còn có nguy cơ cháy nổ cao. Tại hầm Hải Vân trong năm 2012 đã có 24 xe cháy và gặp tai nạn, do ý thức chấp hành các quy định phòng chống cháy nổ của người tham gia giao thông còn kém.

Ngoài ra, các hầm đường bộ trong khu vực nội thị luôn đối diện với tình trạng quá tải vào giờ cao điểm. Điển hình như hầm đường bộ Kim Liên (Hà Nội) tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, thời kỳ cao điểm gây tắc đường 20-25 lần/tháng.

Một vấn đề khác là tại Hà Nội, đến nay có 14 hầm cho người đi bộ, tuy nhiên trên thực tế người đi bộ vẫn băng qua đường, không đi qua đường hầm. Nguyên nhân là do tổ chức quản lý, khai thác hầm chưa hợp lý, thiếu đồng bộ…

Ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ Giao thông vận tải cho rằng cần rà soát, đánh giá lại hiệu quả của hệ thống bảo vệ môi trường trong hầm đường bộ. Đồng thời, tổ chức kiểm soát xe lưu thông đúng quy định tải trọng thiết kế cho phương tiện và cho đường; giáo dục ý thức chấp hành an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ cho người tham gia giao thông trong khu vực hầm đường bộ.

Chia sẻ giải pháp làm sạch bụi trong các hầm đường bộ của Na Uy, ông Harald Buvik, Cục Đường bộ Na Uy, cho rằng Việt Nam cần áp dụng một số giải pháp như: làm sạch tối đa trong hầm, sử dụng hệ thống thông gió được điều chỉnh và kiểm soát bằng hệ thống đếm bụi hoặc sử dụng vật liệu magnesiumclorid như kết dính bụi và sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường để thảm mặt đường.

Đối với hoạt động vận hành, bảo trì và chi phí cho hầm đường bộ, ông Jorgen Holst, chuyên gia về hầm đường bộ Đan Mạch, cho rằng các đơn vị quản lý hầm đường bộ cần triển khai hệ thống quản lý, khai thác và bảo trì có tổ chức tốt, có hệ thống và có kế hoạch hợp lý; xây dựng sổ tay hướng dẫn, bảo trì hầm đường bộ cho từng hầm cụ thể.

Bên cạnh đó, việc sử dụng các kinh nghiệm trong thi công thực tế và đội ngũ kỹ sư có chuyên môn trong quá trình nghiên cứu và lập kế hoạch sẽ giảm thiểu chi phí khai thác và bảo trì về sau.

Nguồn Chinhphu.vn


Sự kiện