Thứ Ba | 16/10/2012 10:25

Hàng tồn kho bất động sản còn bao nhiêu?

Một số chuyên gia cho rằng con số 60.000 - 70.000 căn hộ tồn kho hiện nay không đáng ngạc nhiên và còn có khả năng tăng lên thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, con số 60.000 - 70.000 căn hộ tồn kho được đưa ra gần đây vẫn còn ít. Số lượng này có thể lên tới 100.000 căn hộ. Lượng hàng tồn chủ yếu là căn hộ có diện tích lớn, có giá hơn 1 tỷ đồng/căn. Trong đó, nhiều doanh nghiệp có lượng hàng tồn lên đến cả nghìn căn.

Để giải quyết lượng hàng tồn, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã giảm giá bán từ 30 - 50%. Chẳng hạn tại Hà Nội, có doanh nghiệp đã giảm giá bán căn hộ xuống 10 triệu đồng/m2, còn tại TPHCM, nhiều doanh nghiệp đang bán với giá 12 triệu đồng/m2. Với chi phí xây dựng khoảng 7 - 8 triệu đồng/m2, chi phí đất đai khoảng 5 triệu đồng/m2, khả năng cao các doanh nghiệp sẽ lỗ.

Cùng quan điểm không thực sự tin tưởng con số đưa ra ở trên, ông Quách Mạnh Hòa, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Liên doanh TNHH Phát triển đô thị An Khánh cho rằng rất khó để đưa ra một con số chính xác. Mặt khác, ông Quách Mạnh Hòa cũng đánh giá lượng hàng tồn trên thị trường chủ yếu nằm ở nhà đầu tư thứ cấp, chứ phía chủ đầu tư không nhiều do có kế hoạch bán hàng cũng như đã bán được sản phẩm.

Hai ông cũng cho thấy một xu hướng khá rõ nét của các doanh nghiệp phía Nam khi chia nhỏ căn hộ để chuyển sang cho thuê như một cách giải quyết hàng tồn.

Nói nhiều hơn về điều kiện vĩ mô, ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, cho hay thị trường bất động sản Việt Nam hiện đang thuộc về người mua, nên sự phục hồi của thị trường phụ thuộc nhiều vào sức mua và tâm lý khách hàng. Triển vọng kinh tế sẽ còn khó khăn cho đến năm 2013, nên niềm tin của người mua vẫn khó hồi phục. Nền kinh tế phải có những triển vọng rõ nét hơn mong thu hút được lượng tiền còn trong dân vào lĩnh vực bất động sản.

Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội dự báo lượng tồn kho sẽ còn tăng lên trong thời gian tới. Đây là hậu quả của việc trong thời gian dài, chúng ta để cho thị trường phát triển tự phát, không theo đúng quy luật cung – cầu. Các chủ đầu tư chỉ tạo ra những sản phẩm “hoành tráng”, trong khi khách hàng thì chủ yếu là nhà đầu cơ, nên không quan tâm đến giá cả, cũng như chất lượng sản phẩm. Đến khi kinh tế khó khăn, thị trường bất động trầm lắng thì các chủ đầu tư mới nhận ra rằng, sản phẩm mình làm ra không phù hợp với nhu cầu thật của người tiêu dùng.

Nguồn Đầu tư chứng khoán


Sự kiện