Nhóm bất động sản khu công nghiệp được đánh giá sẽ được hưởng lợi gián tiếp khi các dự án đầu tư công được hoàn thiện. Ảnh: TL.

 
Nhật Anh Thứ Ba | 05/09/2023 17:22

Hai trợ lực chính của doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp

Triển vọng của các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp được đánh giá tích cực trong trung và dài hạn.

Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco Research), hai động lực chính đối với các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp là pháp lý và đẩy mạnh đầu tư công. 

Theo Agriseco Research, các chính sách đã và dự kiến ban hành kỳ vọng sẽ giảm thiểu thời gian, quy trình thủ tục cho doanh nghiệp đầu tư khu công nghiệp cũng như thúc đẩy nguồn cung trong dài hạn. Bên cạnh đó, việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân cũng là tiền đề cho phát triển khu công nghiệp bền vững. Kỳ vọng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu được thông qua và ban hành kịp thời sẽ giúp dòng vốn FDI vào Việt Nam duy trì tích cực trong dài hạn.

 

Đầu tư công cũng là một trong 2 trợ lực chính khi nhóm bất động sản khu công nghiệp được đánh giá sẽ được hưởng lợi gián tiếp khi các dự án đầu tư công được hoàn thiện giúp thúc đẩy tính liên kết bền vững giữa các vùng.

Cụ thể, cơ sở hạ tầng phát triển sẽ thu hút thêm vốn đầu tư vào các tỉnh thành, nhu cầu thuê đất khu công nghiệp sẽ tăng theo. Trong năm 2023, các dự án khu công nghiệp ở các tỉnh Đồng Nai, Phan Thiết, Vũng Tàu, TP. HCM dự kiến sẽ hưởng lợi nhờ một số dự án hạ tầng đi vào hoạt động: cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây, Metro Bến Thành - Suối Tiên. Về phía cầu, mặc dù gặp thách thức trong ngắn hạn từ dòng vốn FDI suy giảm nhưng nhu cầu thuê bất động sản khu công nghiệp còn nhiều tiềm năng trong trung dài hạn nhờ (1) Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực với lợi thế về môi trường đầu tư ổn định, vị thế chiến lược; (2) Giá thuê đất khu công nghiệp thấp hơn 15 - 20% so với hầu hết các nước trong khu vực. 

Nửa cuối năm, động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ các khu vực có quỹ đất sẵn sàng cho thuê và có lợi thế thu hút FDI
Nửa cuối năm, động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ các khu vực có quỹ đất sẵn sàng cho thuê và có lợi thế thu hút FDI.

Mới đây, Chính phủ đã ra chính sách nới lỏng thị thực Visa từ 30 ngày lên 90 ngày cho khách nước ngoài kỳ vọng sẽ thu hút thêm vốn đầu tư. Các tập đoàn lớn từ châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng lên kế hoạch đầu tư/tăng vốn FDI để mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong tương lai. Nhóm doanh nghiệp bất động sản - khu công nghiệp vẫn tiếp tục được hưởng lợi khi giá thuê năm 2023 dự báo tăng ở mức 5-7%. 

 

Về phía cung, nguồn cung khu công nghiệp tiếp tục tăng chủ yếu ở phía Bắc. Trong năm 2023, dự kiến nguồn cung mới hơn 1.600 hecta sẽ tăng tập trung ở khu vực miền Bắc, đặc biệt các tỉnh thành ven trung tâm: Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh. Khu vực phía Nam dự báo tăng chậm hơn và chủ yếu ở Bình Dương, Long An với các khu công nghiệp mới như Nam Tân Uyên 3, Cây Trường. Trong dài hạn, nguồn cung sẽ tập trung phát triển ở các khu vực tỉnh cấp 2 do giá thuê thấp, nhu cầu dần dịch chuyển sang khi tỷ lệ lấp đầy cao và nguồn cung mới hạn chế tại các khu trung tâm. 

“Nửa cuối năm, động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ các khu vực có quỹ đất sẵn sàng cho thuê và có lợi thế thu hút FDI. Thị trường bất động sản khu công nghiệp sẽ có sự phân hóa và sôi động hơn ở các tỉnh thành có vị trí thuận lợi, nhiều lợi thế thu hút vốn FDI và sẵn sàng nguồn cung cho thuê (cơ sở hạ tầng, nhân lực tốt, nỗ lực cải cách hành chính, năng động trong công tác xúc tiến đầu tư). Một số tỉnh thành như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu, Long An kỳ vọng sẽ thu hút vốn trong năm nay”, Agriseco Research nhận định. 

Có thể bạn quan tâm 

Ngân hàng nào đang cho vay bất động sản nhiều nhất?