Hà Nội kiên quyết không để phát sinh công trình “siêu mỏng, siêu méo”
Nhiều năm trước đây, do chưa có cơ chế quản lý, cơ chế về việc thu hồi phần đất còn lại ngoài chỉ giới khi mở một số tuyến đường trong nội đô đi qua các khu dân cư nên trên địa bàn Hà Nội xuất hiện tình trạng công trình xây dựng không bảo đảm các điều kiện về kích thước, hình khối (hay còn gọi là công trình “siêu mỏng, siêu méo”).
Để khắc phục những bất cập này nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị và an toàn cho công trình, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương vào cuộc để xử lý dứt điểm các công trình "siêu mỏng, siêu méo" theo các phương án thu hồi sử dụng vào mục đích công cộng, hợp thửa hợp khối, cải tạo chỉnh trang.
Tuy nhiên, việc xử lý hiện vẫn chưa triệt để, chậm tiến độ, mà trách nhiệm chính thuộc về các cấp chính quyền địa phương.
Đến nay, thành phố đã giải quyết xong 217 trường hợp, 177 trường hợp còn lại đang phải tiếp tục xử lý, tập trung chủ yếu ở các quận, huyện như Ba Đình (69), Đống Đa (27), Hai Bà Trưng (18), Tây Hồ (23), Hà Đông (13), Thanh Xuân (6), Cầu Giấy (9), Hoàng Mai (9), Hoài Đức (3).
Lý giải nguyên nhân chưa xử lý xong các trường hợp trên, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, 132/177 trường hợp còn tồn đọng đều là đất còn lại nằm ngoài chỉ giới giải phóng mặt bằng thực hiện xây dựng 8 tuyến phố, tuyến đường trục chính của thành phố từ nhiều năm qua (trước ngày 15/3/2005).
Các hộ dân đã xây dựng công trình quy mô từ 1-3 tầng và đã ăn ở, kinh doanh, mưu sinh ổn định do đó việc thu hồi rất khó khăn.
Cụ thể, phố Kim Mã 35 trường hợp, phố Lạc Long Quân 23 trường hợp, tuyến phố Văn Cao-Liễu Giai-Nguyễn Chí Thanh 28 trường hợp, phố Đào Tấn 4 trường hợp, phố Thụy Khuê 9 trường hợp, tuyến phố Minh Khai-Vĩnh Tuy 14 trường hợp, tuyến phố Nguyễn Trãi-Quốc lộ 6 có 10 trường hợp, đường Chiến Thắng (Hà Đông) 9 trường hợp.
Mặt khác, cũng do trước đây khi lập phương án sử dụng đất sau khi thu hồi có nhiều trường hợp quận, huyện đã bố trí sử dụng làm vỉa hè hoặc trồng cây xanh.
Trong khi đó, theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố tại văn bản số 2287/UBND-TNMT ngày 1/4/2013, các quận, huyện thu hồi đất để sử dụng vào mục đích công cộng nhưng không sử dụng làm vỉa hè, trồng cây xanh đối với các trường hợp chủ sử dụng đất không thực hiện hợp khối công trình hoặc hợp thửa đất; do vậy các quận, huyện đang điều chỉnh lại phương án sử dụng đất sau khi thu hồi. Đại diện Sở Xây dựng cho biết việc này cũng làm chậm tiến độ xử lý, .
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã thẳng thắn chỉ rõ thời gian qua, các quận, huyện chưa chủ động, tích cực triển khai thu hồi đất đầu tư xây dựng như phương án đã đề xuất.
Các quận, huyện vẫn chủ yếu tập trung tuyên truyền, vận động chủ sử dụng đất thực hiện hợp thửa đất, hợp khối công trình, chưa có biện pháp hành chính; trong khi đó việc các hộ gia đình tự thỏa thuận với nhau để hợp khối trên thực tế cũng rất khó.
Để tiếp tục giải quyết dứt điểm các trường hợp "siêu mỏng, siêu méo," hiện Sở Xây dựng đã phối hợp với các quận, huyện rà soát và đề xuất phương án xử lý cụ thể đến từng nhóm đối tượng nhà, đất này.
Theo đó, 39 trường hợp phải hợp khối kiến trúc mặt đứng với công trình liền kề, 5 trường hợp cải tạo, hạ độ cao còn 1 tầng, 98 trường hợp chỉnh trang giữ nguyên trạng 1 tầng, 35 trường hợp thu hồi thực hiện đầu tư xây dựng.
Trên cơ sở phương án giải quyết nêu trên, các đơn vị liên quan sẽ lập kế hoạch, tiến độ chi tiết để thực hiện cải tạo, chỉnh trang, thu hồi đối với từng trường hợp; đồng thời xem xét từng trường hợp còn vướng mắc để tìm nguyên nhân, giải pháp xử lý cho phù hợp.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội chỉ đạo, tới đây, thành phố kiên quyết không để phát sinh thêm các trường hợp “siêu mỏng, siêu méo” ngay từ khi lập chỉ giới và thiết kế kỹ thuật trong quá trình giải phóng mặt bằng và thi công các tuyến đường đi qua khu dân cư.
Nguồn Vietnam+