Hà Nội dừng phá chợ xây trung tâm thương mại
Theo bà Lan, với các trung tâm thương mại kết hợp với chợ được chuyển đổi từ chợ truyền thống đã được đưa vào sử dụng, có một số chợ có mô hình quản lý tốt; tuy nhiên, có chợ không thu hút được tiểu thương và người dân.
"Sở Công thương biết việc này. Sau khi nhận thấy việc chuyển đổi chợ thành trung tâm thương mại hiệu quả không cao, Sở đã có đánh giá lại và báo cáo UBND TP về những mặt được và chưa được của mô hình này. Đồng thời, đã kiến nghị lãnh đạo thành phố, với các công trình chưa khởi công thì tiến hành rà soát lại quy mô, năng lực tài chính của các chủ đầu tư. Hiện thành phố đã dừng mô hình này, không triển khai nữa", bà Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết.
Hà Nội sẽ có khoảng 1.000 siêu thị các loại
Cũng tại buổi giao ban báo chí hàng tuần do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều qua, bà Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, theo quy hoạch đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, Hà Nội sẽ có khoảng 1.000 siêu thị lớn nhỏ các loại.
Theo bà Lan, đến hết năm 2012, trên địa bàn thành phố có 110 siêu thị và 20 trung tâm thương mại, trong đó có: 13 siêu thị hạng 1, 26 siêu thị hạng 2, 48 siêu thị hạng 3….Tổng diện tích đất của mạng lưới siêu thị là 156.414 m2, bình quân mỗi siêu thị có diện tích 1.421m2. Tổng diện tích các trung tâm thương mại là 479.731m2.
"Mang lưới siêu thị và trung tâm thương mại trên địa bàn phân bổ chưa hợp lý cả về số lượng và quy mô để phù hợp với mật độ dân số cũng như bán kính phục vụ trên toàn địa bàn. Hầu hết tập trung tại các quận, ở các huyện ít có", bà Phó Giám đốc Sở cho biết.
Cụ thể, bà Lan cho biết, hiện nay tại 4 quận nội thành (đô thị lõi) có tới 45 siêu thị, 6 trung tâm thương mại. Các quận còn lại có 42 siêu thị và 7 trung tâm thương mại. Trong khi đó, các huyện ngoại thành chỉ có 23 siêu thị và 7 trung tâm thương mại.
Theo bà Lan, do sự phát triển nhanh về kinh tế và đô thị của Thủ đô trong những năm gần đây, mức sống của người dân đã được nâng lên rõ rệt, vì vậy nhu cầu mua sắm tại các loại hình bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại đã trở thành nhu cầu và thói quen của một bộ phận người dân Thủ đô. Sự xuất hiện ngày càng nhiều hơn đã chứng tỏ triển vọng phát triển của loại hình thương mại hiện đại này. Đồng thời, các dịch vụ của chúng đã đóng góp đáng kể vào việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô.
"Theo Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội sẽ có khoảng 1000 siêu thị lớn nhỏ các loại và 64 trung tâm thương mại các loại", bà Lan cho biết.
Cụ thể, đến năm 2020 Hà Nội sẽ có khoảng 23 siêu thị hạng 1, 111 siêu thị hạng 2 và 865 siêu thị hạng 3. Về các trung tâm thương mại, Hà Nội sẽ có khoảng 19 trung tâm thương mại hạng 1, 15 trung tâm thương mại hạng 2 và 30 trung tâm thương mại hạng 3….
"Quỹ đất xây dựng các siêu thị, trung tâm thương mại không hoàn toàn là quỹ đất mới, có thể sử dụng diện tích dưới mỗi tầng hầm, tầng trệt các tòa nhà trong khu đô thị", bà Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết.
Liên quan đến việc chuyển đổi các chợ truyền thống thành các trung tâm thương mại kết hợp với chợ, năm 2012, VnMedia đã đăng tải một loạt bài viết về thực trạng và những tồn tại của việc chuyển đổi mô hình này. Theo đó, từ khảo sát thực tế cũng như qua hầu hết ý kiến của người dân và các chuyên gia mà VnMedia tham khảo đều cho thấy, việc chuyển đổi chợ truyền thống thành siêu thị hoặc kết hợp với trung tâm thương mại đang có rất nhiều bất hợp lý, cần phải được xem xét một cách cẩn trọng trước khi tiến hành thực hiện đại trà theo đề án do Sở Công thương làm chủ đầu tư.
Sau đó, vào ngày 29/6/2012, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo đã chỉ đạo, giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan như Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc và UBND các quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy rà soát lại hiệu quả việc xây dựng lại chợ theo mô hình chợ - Trung tâm thương mại từ các chợ Cửa Nam, Hàng Da.
Tiếp đó, vào cuối tháng 7, UBND Thành phố đồng ý với đề xuất của quận Cầu Giấy và Chủ đầu tư dự án về việc tạm dừng triển khai công tác giải phóng mặt bằng dự án, giao Chủ đầu tư và UBND quận Cầu Giấy tiếp tục bàn bạc với các hộ kinh doanh tại chợ Nghĩa Tân về phương án điều chỉnh dự án để đạt được sự đồng thuận của các hộ kinh doanh, đảm bảo hiệu quả đầu tư và ổn định trật tự tại khu vực thực hiện dự án.
Nguồn VnMedia