Hà Nội chốt vị trí xây ga metro ngầm khu vực hồ Gươm
UBND TP Hà Nội vừa có thông báo kết luận thống nhất về ga ngầm C9 thuộc Dự án đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.
Theo đó, UBND TP cơ bản thống nhất về vị trí, phương án tổng mặt bằng, giải pháp không bố trí mái che tại khu vực lối lên xuống số 3, 4 (tức phía sau đền Bà Kiệu và khu vực nhà vệ sinh bờ hồ Hoàn Kiếm).
UBND TP cũng giao Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội làm việc với Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội để thống nhất giải pháp kết hợp việc triển khai dự án ga ngầm C9 với việc thực hiện quy hoạch tại khu vực trụ sở các Tổng công ty nêu trên, đảm bảo tính kết nối, sự đồng bộ, hài hòa và nâng cao hiệu quả của các dự án.
Trên cơ sở đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc tổng hợp, đề xuất báo cáo trước ngày 10/9/2016 để UBND TP mời Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nhà khoa học, các chuyên gia trao đổi, làm rõ các nội dung có liên quan, tạo sự đồng thuận trong tổ chức triển khai.
Theo quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9, có 2 lối ra vào - phía bờ hồ Hoàn Kiếm, nằm trong khu vực bảo vệ II của di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.
Theo UBND TP, việc bố trí các lối ra vào phía bờ hồ Hoàn Kiếm là để đảm bảo các yêu cầu về đáp ứng lưu lượng hành khách tiếp cận, phục vụ thuận lợi cho du khách thưởng ngoạn hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn, góp phần khai thác và phát huy tối đa giá trị của di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, đồng thời đảm bảo các yêu cầu thông gió, thoát hiểm khi có sự cố tai họa, hỏa hoạn và an ninh khẩn cấp.
Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 nằm trong tổng thể phát triển mạng lưới gồm 8 tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội đã được UBND thành phố phê duyệt quy hoạch. Tuyến có tổng chiều dài 11,5 km gồm 3 ga trên cao và 7 ga ngầm.
Tổng mức đầu tư được duyệt năm 2008 là 19.555 tỷ đồng, trong đó vốn ODA của Nhật Bản là 16.485 tỷ đồng, vốn đối ứng của Việt Nam là 3.079 tỷ đồng.
Nhật Duy