Gói tín dụng 30.000 tỷ có giúp bất động sản hồi phục không?
Thông tư của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, đối tượng được vay vốn hỗ trợ sẽ bao gồm: người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê mua nhà thương mại có diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; doanh nghiệp là chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà thương mại nhưng được chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội.
Như vậy, so với bản dự thảo được công bố trước đây, đối tượng hưởng hỗ trợ lãi suất khi vay vốn đã có bổ sung thêm đối tượng mua nhà ở xã hội. Đây là một sự điều chỉnh quan trọng của Ngân hàng Nhà nước, sau khi tiếp thu ý kiến phản hồi từ các chuyên gia về sự thiếu thực tế trong quy định các đối tượng hưởng thụ chính sách ưu đãi này.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã ấn định cụ thể giá trị phần trăm gói vay đối với các doanh nghiệp đầu tư dự án (30%) và cá nhân vay thuê, mua nhà (70%), thay vì phân bổ đồng đều 50/50. Thời hạn vay vốn đối với cá nhân tối thiểu là 10 năm và doanh nghiệp là 5 năm; thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa với cá nhân và doanh nghiệp lần lượt là 10 năm và 5 năm.
Trong Thông tư, điểm nhận được sự quan tâm lớn của dư luận là quy định về mức lãi suất hỗ trợ. Theo đó, mức lãi suất cho vay năm 2013 là 6%/năm. Và định kỳ tháng 12 hàng năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ xác định lại mức lãi vay, tương đương 50% lãi suất cho vay trên thị trường nhưng không vượt quá 6%/năm để công bố cho các năm tiếp theo.
Cụ thể, khoản vay này không chỉ hỗ trợ cho người vay để thuê nhà mà còn mở rộng với những đối tượng vay để mua nhà ở xã hội. Ngoài ra, mức lãi suất các khoản vay này cũng sẽ được ngân hàng Nhà nước giữ ổn định là 6% trong 3 năm đầu. Trong những năm tiếp theo, lãi suất sẽ được điều chỉnh theo hướng có lợi cho người vay chứ không tăng đột biến như nhiều người lo ngại.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định, đây là gói tín dụng nhằm hỗ trợ người có thu nhập thấp chứ không phải hỗ trợ cho toàn thị trường. Cụ thể, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã đánh trúng vào nhu cầu của người dân về nhà ở, đồng thời tập trung giải quyết cho mô hình nhà quy mô nhỏ, mức thanh toán thấp.
Từ đây, gói hỗ trợ này có thể sẽ tạo được cú huých cho phân khúc nhà ở quy mô nhỏ. Đồng thời, khi được hỗ trợ thêm, sẽ góp phần lan tỏa và tạo ra tác động cộng hưởng lên các phân khúc khác trong thị trường bất động sản. Cung hiện đã sẵn có, 70% trong gói tín dụng này để kích cầu và được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả cao.
Hiện nay, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu bất động sản chiếm đến 58%, tương đương khoảng 250.000 tỷ đồng. Nếu giải quyết được vấn đề nợ xấu thì ngay trong cuối năm 2013 thị trường bất động sản sẽ chạm đáy và hồi phục dần trong năm 2014. Nhiều chuyên gia tài chính nhận định, gói tín dụng vừa được đưa ra là giải pháp giúp cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính có thể vượt qua giai đoạn này và điều chỉnh lại cung - cầu trên thị trường; giúp cho người có thu nhập thấp sớm có nhà ở và giải quyết khối lượng vốn đang tồn đọng trong thị trường bất động sản.
Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng tình hình chung thị trường bất động sản trong quý I/2013 và tháng 4/2013 đã có một số chuyển biến tích cực. Cộng với những động thái tích cực từ việc ban hành hai Thông tư của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng, gói tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở sẽ góp phần tạo nên sự điều chỉnh cơ cấu nguồn cung hàng hóa phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường. Đồng thời giải tỏa tâm lý và bước đầu khôi phục niềm tin vào thị trường của nhà đầu tư, người mua trên thị trường. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển cho thị trường bất động sản cuối năm 2013 và dần phục hồi vào năm 2014.
(Theo ĐBND)