Giữ đất vàng sau cổ phần hóa
Lỗ hổng lớn nhất nằm ở khâu định giá tài sản các doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của Nhà nước.
Vì vậy, Chính phủ đã có công văn chỉ đạo tạm dừng các thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất để chờ sửa đổi bổ sung dựa trên nguyên tắc “phải tính đúng, tính đủ”.
Lỗ hổng định giá
Trái với kỳ vọng của nhiều người, quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới có thể sẽ chậm lại bởi những chính sách mới. Điển hình là mới đây, Chính phủ thông báo sẽ tạm dừng việc cổ phần hóa 3 bệnh viện thuộc Bộ Giao thông Vận tải gồm: Nam Thăng Long tại Hà Nội, Giao thông Vận tải tại Vinh - Nghệ An và một bệnh viện của Bộ tại Đà Nẵng.
Còn nhớ trong năm 2015, cuộc đua thâu tóm Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương đã diễn ra với phần thắng cuối cùng thuộc về Tập đoàn T&T khi thâu tóm được 51,43% cổ phần. Đây được xem là một thương vụ khá hời của T&T bởi với số tiền chi ra gần 140 tỉ đồng, T&T đã sở hữu được quỹ đất rộng tới hơn 21.200m2 ngay tại trung tâm Hà Nội cùng cơ sở vật chất trị giá hàng triệu USD của bệnh viện này.
Trường hợp có sai sót trong quá trình cổ phần hóa, bán các tài sản nhà nước giá rẻ như vậy không phải là hiếm. Ví dụ, quá trình cổ phần hóa tại Cảng Quy Nhơn được cho đã diễn ra quá nhanh, chưa được kiểm soát với kết quả là khối tài sản đồ sộ của cảng đã được một doanh nghiệp thâu tóm với giá chỉ vài trăm tỉ đồng. Kem Tràng Tiền, doanh nghiệp có quyền sử dụng 1.500m2 đất ngay trung tâm phố Tràng Tiền (Hà Nội), chỉ được định giá 3,2 tỉ đồng khi cổ phần hóa. Cũng như vậy, hơn 1,4ha đất do Hãng Phim truyện Việt Nam sử dụng không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Hay gần đây, Thanh tra Chính phủ cho biết đang kiểm tra lại quá trình sở hữu lượng cổ phần trị giá 700 tỉ đồng của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa tại Công ty Bóng đèn Điện Quang, xem xét lại quá trình cổ phần hóa Tổng Công ty Thương mại Xây dựng (Vietracimex) cùng một số thương vụ khác...
Nhìn chung, bên cạnh việc chưa minh bạch, công bố thông tin rộng rãi để thị trường được biết, cũng như quy trình chọn lựa nhà đầu tư chiến lược vẫn còn sơ hở, thì sai sót lớn nhất có lẽ nằm ở khâu định giá tài sản các doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa. Đặc biệt, sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư khi tham gia mua cổ phần doanh nghiệp nhà nước chủ yếu do sự phát sinh giá trị thặng dư của quyền sử dụng đất trước và sau khi cổ phần hóa quá lớn. Còn đối với Nhà nước, đây lại là lỗ hổng làm phát sinh lợi ích nhóm, tiêu cực, dẫn đến thất thoát tài sản lớn.
Theo báo cáo mới đây của Kiểm toán Nhà nước, sai sót trong khâu định giá đã làm giảm giá trị tài sản, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của Nhà nước, đặc biệt là những sai sót trong việc xác định giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán. Một số thương vụ có chênh lệch lớn về mặt giá trị tài sản được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra là tại Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (hơn 2.300 tỉ đồng), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (2.050 tỉ đồng), Công ty Truyền hình Cáp VTV Cab 267,7 tỉ đồng... Tổng số tiền thất thoát lên tới 4.625 tỉ đồng.
Tất nhiên, đây có thể chỉ là bề nổi bởi số lượng doanh nghiệp được cổ phần hóa chỉ tính trong giai đoạn 2011-2015 đã lên tới hơn 800 doanh nghiệp mà Kiểm toán Nhà nước khó lòng kiểm soát nổi. Bên cạnh đó, một số thương vụ thoái vốn ngoài ngành trong đề án tái cấu trúc của các tập đoàn hiện còn kém minh bạch, nhất là các thương vụ thoái vốn khỏi ngân hàng và bất động sản của các tập đoàn lớn như PVN, EVN, mang lại cơ hội cho các nhóm nhỏ sở hữu các tài sản tốt với mức giá rẻ. Theo báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp, trong 6 năm qua, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thoái hơn 11.500 tỉ đồng vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhưng số tiền thu về lại thấp hơn giá trị đã đầu tư, chỉ 11.192 tỉ đồng.
“Bán cổ phần thiếu sự công khai, minh bạch đã tạo kẽ hở cho một số cá nhân không chỉ tìm cách đánh giá thiếu khách quan giá trị thực của số tài sản hiện có đối với doanh nghiệp nhà nước thuộc diện cổ phần hóa theo hướng có lợi cho mình, mà còn tìm mọi cách để thôn tính dần số cổ phiếu của cổ đông là Nhà nước, mua gom số cổ phiếu khác dưới nhiều thủ đoạn rất tinh vi nhằm thâu tóm quyền lực”, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật Basico, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nhận định.
Chính phủ đã ban hành khá nhiều các văn bản hướng dẫn định giá doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa, chuyển đổi hay sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước như Nghị định 59/2011, Nghị định 189/2013, Nghị định 116/2015. Tuy nhiên, khi triển khai đã có nhiều vướng mắc nảy sinh. Hiện Chính phủ đang rà soát lại các khâu và chuẩn bị đưa ra dự thảo mới để sửa đổi các nghị định nói trên.
Bên cạnh khâu định giá đang có những thiếu sót lớn thì việc lựa chọn cổ đông chiến lược nào phù hợp cũng là điều gây đau đầu cho các đơn vị quản lý tài sản công. Tất nhiên, không thể phủ nhận quá trình cổ phần hóa mạnh mẽ nhiều doanh nghiệp nhà nước trong các năm qua trong một số trường hợp đã khá hiệu quả khi chuyển giao tài sản vào tay các nhà đầu tư mới có năng lực hơn. Qua đó, giúp doanh nghiệp cải thiện hiệu quả hoạt động vượt bậc như trường hợp của Vinamilk hay Traphaco. Cũng nhờ có tiến trình cải cách này mà các nhà đầu tư ngoại đã phần nào quay trở lại, thị trường chứng khoán tăng điểm vượt bậc cũng như môi trường kinh doanh ở Việt Nam được đánh giá cao hơn.
Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những trường hợp việc chuyển giao tài sản từ công sang tư chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng, tạo động lực tăng trưởng mới cho công ty khi ý đồ của các nhà đầu tư đi thâu tóm đi ngược lại hoàn toàn với chiến lược phát triển cốt lõi của doanh nghiệp, nhất là nhắm vào các quỹ đất lớn có vị trí đẹp. Bởi vậy, đã xảy ra trường hợp sau khi thâu tóm được doanh nghiệp, các cổ đông mới (đặc biệt là cổ đông chiến lược) không mặn mà gì để triển khai các đề án tái cấu trúc đã được phê duyệt, mà tìm cách chuyển nhượng lòng vòng cổ phần cho các đối tác khác, thậm chí khi chưa hết thời gian bắt buộc phải nắm giữ tối thiểu 5 năm như quy định hiện hành.
Tiêu biểu là trường hợp của Tổng Công ty Thủy sản Seaprodex hậu cổ phần hóa. Sở hữu khu đất vàng tại địa chỉ 2-4-6 đường Đồng Khởi ngay tại trung tâm TP.HCM. Sự kiện cổ phần hóa Seaprodex năm 2014 đã nhận được mối quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư bên ngoài mà phần thắng cuối cùng thuộc về Geleximco. Nhưng sau đó, Geleximco đã chuyển nhượng toàn bộ 35% cổ phần cho hai đối tác mới là Nova Bắc Nam 79 và Bất động sản Anh Tú cùng một số cổ đông nhỏ khác. Khu phức hợp trên mảnh đất vàng này cho đến nay vẫn chưa thấy dấu hiệu sẽ khởi động sớm.
Hay như trường hợp cổ phần hóa của Cảng Sài Gòn. Chỉ đưa đầy một năm trở thành cổ đông chiến lược, hai nhà đầu tư là ngân hàng VietinBank và VPBank xin thoái vốn hoàn toàn sau khi Cảng Sài Gòn được chấp thuận của Bộ Giao thông Vận tải không tham gia phát triển dự án phức hợp Nhà Rồng Khánh Hội nữa. Tất nhiên đây là nghịch lý bởi Cảng Sài Gòn đang cần trợ lực từ phía các cổ đông mới để thúc đẩy tiến độ xây dựng bến cảng mới tại Hiệp Phước.
Của nhà nước phải trả về cho nhà nước
Để hạn chế phần nào những nhiễu loạn trong công tác chuyển nhượng, bán cổ phần các doanh nghiệp nhà nước, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công văn chỉ đạo tạm dừng các thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo Quyết định số 09/2007 để chờ sửa đổi bổ sung. “Nguyên tắc là phải tính đúng, tính đủ tài sản hữu hình, vô hình vào giá trị doanh nghiệp, như việc tìm cách tính thương hiệu, lợi thế thương mại, phát minh sáng chế, cải tiến kỹ thuật, định giá đất đai”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định. Cụ thể hơn, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu, khi bán cổ phần nhà nước tại 3 doanh nghiệp lớn gồm Vinamilk, Sabeco và Habeco phải đấu giá cạnh tranh, giá trị quyền sử dụng đất tính riêng.
Theo đó, doanh nghiệp nhà nước sẽ căn cứ vào bảng giá đất do Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố công bố để tính vào giá trị doanh nghiêp và nộp tiền thuê đất. Nếu là đất được giao phải tính giá trị đất vào giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa. Với doanh nghiệp sở hữu đất ở những vị trí có lợi thế thương mại cao thì trước khi cổ phần hóa phải xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đặc biệt, sau khi rà soát, Nhà nước sẽ thu hồi những phần đất doanh nghiệp sử dụng chưa phù hợp với lĩnh vực kinh doanh và sai quy hoạch.Bộ Tài chính cũng đã đệ trình một số sửa đổi trong dự thảo Nghị định mới về chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần. Theo ông Nguyễn Duy Long, Cục Tài chính doanh nghiệp của Bộ Tài chính, dự thảo lần này sẽ quy định rõ các quy định xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp, nhất là giá trị đất theo Luật Đất đai năm 2013.
Một doanh nghiệp bất động sản cho rằng, trước đây, đất được định giá theo khung quy định là sai nghiêm trọng vì chỉ bằng 20-30% giá thị trường. Bởi vì, giá này còn tùy thuộc đất được sử dụng vào mục đích gì, xây bao nhiêu, nếu hệ số sử dụng đất cao thì giá cũng phải cao.
Thực tế, từng xảy ra trường hợp về dự án cải tạo trung tâm triển lãm, nằm ở trung tâm Hà Nội thành một khu phức hợp không thu hút được nhiều nhà đầu tư bên ngoài tham gia do quy hoạch khi đó hạn chế về độ cao khiến dự án không hiệu quả về mặt tài chính. Mặc dù vậy, sau khi thực hiện xong quá trình cổ phần hóa và bán cho nhà đầu tư chiến lược, quy hoạch bất ngờ được thay đổi, trong đó cho phép dự án được thay đổi hệ số sử dụng đất và nâng số tầng được phép.
Tất nhiên, sự thay đổi này đã mang lại lợi ích cho một nhóm nhỏ các nhà đầu tư, trong khi ngân sách nhà nước phải chịu thiệt hại đáng kể do thương vụ đấu giá cổ phần hóa trước đó không thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia. Vì vậy, có nhiều ý kiến cho rằng không nên cổ phần hóa đất mà chỉ cho thuê. Nhà nước sẽ ra chỉ tiêu quy hoạch khu đất này, hệ số sử dụng đất tầng cao và mục đích, sau đó đấu giá công khai.
Bộ Tài chính dự kiến cũng sẽ siết chặt lại các điều kiện tham gia của các cổ đông chiến lược để giúp doanh nghiệp tìm được mối quan hệ bền lâu hơn. Trong đó, có thể sẽ có yêu cầu nhà đầu tư chiến lược phải cùng ngành nghề kinh doanh chính với doanh nghiệp. Trường hợp chỉ có một nhà đầu tư chiến lược đăng ký mua thì không tổ chức bán thỏa thuận cho nhà đầu tư chiến lược mà chuyển sang bán đấu giá công khai cùng với các nhà đầu tư thông thường khác.
Đặc biệt, sẽ có các quy định rõ trách nhiệm bồi thường khi vi phạm các cam kết của nhà đầu tư chiến lược. Đồng thời dự thảo lần này cũng sẽ thay đổi thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phần của nhà đầu tư chiến lược là 3 năm thay cho 5 năm để phù hợp với quy định tại Luật Doanh nghiệp mới.
Mặc dù vậy, thực hiện được các điều chỉnh này cũng không phải là chuyện dễ. Khác với các năm trước, việc kinh tế bất ngờ tăng trưởng chậm lại trong quý I khi chỉ đạt 5,1% cùng áp lực nợ công đang tạo nên áp lực khó dung hòa cho các nhà điều hành trong việc giữ được chất lượng và tốc độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Theo kế hoạch từ đây cho đến năm 2020, sẽ có khoảng 240 doanh nghiệp nhà được cổ phần hóa, trong đó có khá nhiều những tên tuổi lớn. Điển hình là Bộ Xây dựng sẽ cổ phần hóa 16 doanh nghiệp như Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng DIC, Sông Hồng, Viglacera, Licogi, Lilama, CC1, FICO, Sông Đà, VICEM... Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cổ phần hóa các công ty Mobifone, VTC, VNPT. Bộ Công Thương sẽ cổ phần hóa các hãng bia nổi tiếng là Sabeco, Habeco hay Tập đoàn PVN sẽ bán cổ phần trong nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Các tỉnh và thành phố cũng sẽ cổ phần hóa một loạt doanh nghiệp. Đáng chú ý, TP.HCM sẽ tiến hành cổ phần hóa tại các doanh nghiệp rất lớn với doanh thu mỗi năm lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng như Saigon Tourist, Bến Thành Group, Satra, Samco, Sawaco, CNS, Sagri... Đây đều là những doanh nghiệp có quy mô rất lớn, diện tích đất rộng khắp, hẳn nhiên sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm để ý. Nhưng chắc chắn một điều là việc định giá tài sản, tổ chức đấu thầu và kiểm soát hậu cổ phần hóa sẽ tiếp tục là một thách thức lớn cho các nhà điều hành do tính chất phức tạp của các doanh nghiệp này. Liệu những điều chỉnh gần đây của Chính phủ sẽ khắc phục được các lỗ hổng này? “Mấu chốt của vấn đề là minh bạch hóa và hãy để thị trường tự quyết định”, luật sư Trương Thanh Đức chia sẻ với NCĐT.
Nguyễn Sơn