Nguồn cung bất động sản tại TP.HCM tiếp tục gặp khó khăn.
Giải pháp khơi thông vốn cho thị trường bất động sản
Siết tín dụng, tắc vốn dẫn vào bất động sản
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect, động thái “siết” dòng vốn từ thị trường trái phiếu và các tổ chức tín dụng vào bất động sản đem đến không ít thách thức và trở ngại cho các chủ đầu tư trong việc huy động vốn phát triển dự án.
Điều này đang là thực tế khi báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho thấy, trong tháng 4, giá trị phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản về mốc… 0. Trong khi ấy, trước đó, bất động sản luôn là một trong những lĩnh vực có tỉ trọng giá trị phát hành cao nhất toàn thị trường.
Không chỉ tắc từ trái phiếu bất động sản, một kênh dẫn vốn quan trọng của thị trường bất động sản là tín dụng cũng đang giảm tốc mạnh và ngày càng khó khăn sau động thái khóa van tín dụng. Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy, trong những tháng đầu năm, dư nợ tín dụng bất động sản chỉ đạt 2,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,24% so với thời điểm đầu năm nhưng thấp hơn nhiều mức tăng trên 5% dư nợ tín dụng chung của nền kinh tế. Đặc biệt, trong số trên, nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh bất động sản chỉ chiếm khoảng 35%.
Những con số này theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đồng nghĩa, nguồn vốn tín dụng ngân hàng dành cho kinh doanh bất động sản không chỉ giảm tốc, mà còn giảm cả về tỉ trọng. “Doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt với những khó khăn kép cả về nguồn vốn, thị trường, nguồn cung sản phẩm”, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, nhận định.
Gỡ khó ngay cho những dự án tốt
Hậu quả của đói vốn là các dự án bị đình trệ, thị trường BĐS đang phải đối mặt với tình trạng thiếu cung ngày một trầm trọng. Báo cáo quý 1 của Bộ Xây dựng cho thấy, chỉ có 22 dự án nhà ở thương mại được hoàn thành, bằng khoảng 47% so với quý 4 năm ngoái. Báo cáo tháng 4 của các đơn vị nghiên cứu thị trường cũng chỉ ra, tại nhiều khu vực, lượng cung bất động sản chỉ bằng khoảng 2/3 cùng kỳ năm ngoái.
“Khi nguồn cung khan hiếm, hậu quả là giá bất động sản sẽ ngày một tăng, một cách bất hợp lý. Người dân sẽ ngày càng khó có cơ hội sở hữu bất động sản”, một chuyên gia trong ngành bất động sản nói.
Thực tế cũng đang cho thấy điều ấy khi nghiên cứu thị trường của Batdongsan.com.vn chỉ ra, giá rao bán trung bình của chung cư Hà Nội trong 4 tháng đầu năm đã tăng tới 9% so với trung bình năm 2021, cao hơn nhiều mức tăng khoảng 5-8% của 3 tháng đầu năm. Cùng với các yếu tố đầu vào như giá đất, nguyên vật liệu xây dựng… cùng tăng cao, giá bất động sản theo đánh giá sẽ còn leo tháng mạnh hơn nữa thời gian tới.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng, cho biết, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang mong chờ những giải pháp, định hướng chính sách toàn diện, linh hoạt để phát triển thị trường này trong giai đoạn hiện nay. Các giải pháp về nguồn vốn vào bất động sản cần được quan tâm, thích ứng với diễn biến thực tế, có rà soát, có tầm nhìn và lộ trình tránh tình trạng chính sách “giật cục” có tác động ảnh hưởng đến thị trường. Ngoài ra, các dự án đang triển khai, sắp đưa nguồn cung ra thị trường, cần được ưu tiên vốn.
Đặc biệt, nhiều ý kiến cũng đồng tình cho rằng, các dự án đã có đầy đủ pháp lý, của các chủ đầu tư uy tín, có năng lực tốt, cần được khuyến khích ưu tiên cho vay để tạo nguồn cung mới cho thị trường.