Nguyễn Sơn Thứ Hai | 11/01/2021 14:00

Giấc mơ thành phố sân bay

Ý tưởng phát triển các khu đô thị sầm uất tại khu vực có bán kính 1-2 km quanh sân bay.

Thành công của mô hình "thành phố sân bay"

Sau thời gian gấp rút giải phóng mặt bằng, sáng ngày 5.1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bấm nút khởi công xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 - dự án thành phần 3. Khi hoàn thành, Cảng hàng không quốc tế Long Thành có 4 đường cất hạ cánh, công suất 100 triệu lượt hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Kỳ vọng đặt vào siêu dự án hạ tầng này là không nhỏ. Được thiết kế để đạt cấp 4F, mức cao nhất theo tiêu chuẩn của ICAO, sân bay Long Thành dự kiến trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế và khu vực. Khi đưa vào sử dụng, sân bay này có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP từ 3-5%.

Để đồng bộ hạ tầng gắn kết với sân bay Long Thành sau này, tỉnh Đồng Nai đã khởi động các tuyến giao thông đường bộ như đầu tư Hương Lộ 2, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Mới đây, địa phương này cũng đã đề xuất đầu tư thêm 2 tuyến đường kết nối sân bay Long Thành, gồm tuyến số 1 dài 3,8 km chạy từ Quốc lộ 51 vào đến sân bay và tuyến số 2 dài 3,5 km nối từ đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây vào tuyến số 1, song song với Quốc lộ 51. Tổng kinh phí thực hiện 2 tuyến đường mới dự kiến hơn 4.800 tỉ đồng.

Ảnh: vn.tintuc360.world.
Ảnh: vn.tintuc360.world.

Với giới đầu tư bất động sản, rõ ràng sân bay Long Thành mang tới động lực tăng trưởng mới cho thị trường, trong đó tâm lý hân hoan về mô hình thành phố sân bay đang bừng dậy. Đó là ý tưởng phát triển các khu đô thị sầm uất tại khu vực có bán kính 1-2 km quanh sân bay. Mô hình này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các ngành thương mại dịch vụ, logistics và thu hút đông đảo dân cư về sinh sống.

 

Trên thế giới đã có nhiều mô hình đô thị sân bay thành công, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Đơn cử, sân bay Amsterdam Schiphol của Hà Lan có khu vực mua sắm lớn, mang lại nguồn thu không nhỏ và là điểm thu hút khách đi máy bay. Sân bay có trung tâm Schiphol Plaza miễn thuế không chỉ thu hút khách hàng không mà cả khách vãng lai. Từ tháng 10.2006, tại Schiphol còn phục vụ dịch vụ kết hôn và trăng mật.

Nguồn lực hiện thực hoá?

Nhưng theo Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam, mô hình thành phố sân bay đang vướng một số rào cản đáng kể. Để hiện thực hóa dự án thành phố sân bay, các tỉnh thành gồm Đồng Nai và các nơi là điểm đến của các chuyến bay tại đây cần đáp ứng được 2 yếu tố. Yếu tố thứ nhất là quyết tâm chính trị rất lớn từ Đồng Nai, vì khi nhắc đến vấn đề quy hoạch, đô thị, ý chí chính trị là yếu tố quan trọng nhất.

Yếu tố thứ 2 chính là nguồn lực, bao gồm về mặt quy hoạch của tỉnh Đồng Nai, đặc biệt là khu vực Long Thành. Đó còn là năng lực tài chính, khả năng của đội ngũ quy hoạch và khả năng thực thi. “Về lâu dài từ 10-30 năm, một khi sân bay được hoàn thiện trong vòng 5-7 năm tới thì câu chuyện đạt được mục tiêu trở thành đô thị sân bay sẽ tùy vào quyết tâm của nhiều thế hệ kế thừa các ban lãnh đạo tỉnh Đồng Nai dưới sự chỉ đạo của Trung ương”, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương chia sẻ với NCĐT.

Đồng thời, Đồng Nai cần cân nhắc lại nguồn lực và năng lực tài chính, năng lực phát triển để đạt được nguồn nội lực cần thiết, nhắm đến thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ xem xét các khía cạnh sau khi cân nhắc đầu tư: ổn định chính sách, năng lực phát triển và sự phát triển tính kế thừa của đô thị đó trong vòng 20-30 năm sau và xa hơn nữa.

“Việc hoàn thiện xong sân bay Long Thành không có nghĩa là chúng ta đã đạt được mục tiêu cuối cùng trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ cho tỉnh Đồng Nai. Chúng ta có những nhiệm vụ mang tính kế thừa và phát triển, đó là làm sao để tỉnh Đồng Nai trở thành nơi mà các nhà đầu tư phải hướng tới”, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương nhận định.

 

Trước đây, Đồng Nai có xu hướng tập trung vào công nghiệp, công nghiệp dịch vụ, thì nay cần đưa chúng vươn lên một nấc thang mới, mang tính quốc tế hơn, toàn cầu hơn, ví dụ như chuỗi công nghiệp khép kín từ sản xuất, hậu cần, kho bãi, vận chuyển ra các cảng nước sâu và đi ra thế giới.

Bên cạnh đó, yếu tố vốn đầu tư từ cá nhân trong và ngoài nước cũng góp phần quan trọng trong việc hiện thực hóa mô hình lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Cần có thêm những bài toán giúp liên kết giữa công và tư, liên kết giữa các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước cũng như cần các chuyên gia không những trong nước mà còn ở ngoài nước, áp dụng các mô hình của thế giới như Nhật, Hàn Quốc, châu Âu vào Việt Nam.

Kết hợp công tư như thế nào là một bài toán lớn và cần những cơ chế mang tính kinh tế thị trường hơn là mặt quản lý nhà nước. Để giải quyết bài toán trên, yếu tố tác động quan trọng nhất vẫn là kinh tế thị trường. 

“Ngoài ra, cần có những nhóm tư vấn cho các ủy ban nhân dân tỉnh và Chính phủ trong việc hỗ trợ triển khai để có thể đạt được mục tiêu. Nếu nhóm vốn này là ngoài quốc doanh, liên quan đến bài toán về kinh tế thì cần phải có sự mạch lạc để tận dụng được nguồn lực kinh tế từ các nguồn khác nhau nhằm đạt được mục tiêu chính trị. Tôi nghĩ rằng đây sẽ là một sức hút cho các doanh nghiệp tham gia cùng với tỉnh Đồng Nai”, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương khuyến nghị.