Ảnh: Vietnamnet.vn
Giá đất Hòa Lạc “nhảy múa” trước thông tin doanh nghiệp đề xuất đầu tư dự án
Khoảng 1 tuần trở lại đây, hàng trăm xe ô tô của các nhà đầu tư nối đuôi nhau đổ xuống một khu đất trống, đường cụt thuộc Trúc Động nằm ở rìa làng của xã Đồng Trúc. Trong bán kính khoảng 2km xung quanh khu vực này, các quán nước cũng chật kín người, xe ô tô đỗ la liệt trên đường làng.
Việc hàng trăm nhà đầu tư đổ về đây để tìm kiếm cơ hội, đầu tư đất nền khiến giá đất cũng liên tục tăng cao. Chỉ trong vòng 3 ngày, giá đất đã tăng 4 triệu đồng/m2. Giá đất tăng không phải theo tháng, theo tuần, mà tăng theo ngày, thậm chí chỉ một vài giờ sau khi mua, đã có thể bán lại kiếm lời hàng chục triệu đồng.
Dù mới chỉ là đề xuất của doanh nghiệp nhưng trên một số trang bất động sản, hàng loạt thông tin rao “bán đất Đồng Trúc cạnh Vingroup" hay “bán đất cạnh khu đô thị Vinhomes" xuất hiện. Mức giá cũng khá phong phú tuỳ từng loại đất, tuỳ từng vị trí.
Theo người dân địa phương, giá đất ở khu vực Đồng Trúc dao động tầm 7-8 triệu đồng, nhưng chỉ vài ngày qua đã được "hét giá" đẩy lên mức 12-13 triệu đồng/m2, có những vị trí được rao với mức hơn 20 triệu đồng/m2.
Lý giải về việc giá đất tăng, ông Nguyễn Văn Nghi, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Trúc cho rằng, do trên mạng xã hội có thông tin khu vực xã Đồng Trúc có một dự án lớn về khu đô thị sắp được khởi công xây dựng, do đó “cò đất” đã dựa vào thông tin này để nâng giá bán.
Hàng trăm nhà đầu tư đã đổ về khu vực xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất để tìm kiếm cơ hội đầu tư, lướt sóng. Ảnh: baogiaothong.vn |
Ông Nguyễn Văn Quang, chuyên gia bất động sản đồng thời là giám đốc một công ty chuyên nghiên cứu thị trường bất động sản cho biết, đa số người đổ về trong những ngày gần đây đều là tay buôn bất động sản. Khu đất đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư thuộc dự án đất giãn dân, đã được cấp sổ đỏ.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên xảy ra tình trạng sốt đất này. Trước đó, năm 2010, khu vực này cũng đã xảy ra sốt đất khi thông tin thành lập khu công nghệ cao Hòa Lạc đưa đưa ra. Theo đó, nhiều nhà đầu tư đã dồn hết tiền để đón sóng khu công nghiệp Hòa Lạc. Không ít người phất lên, nhưng cũng rất nhiều nhà đầu tư phải tán gia bại sản khi cơn sốt nhanh chóng hạ nhiệt, thị trường trở nên trầm lắng. Bong bóng vỡ, những dự án vẫn chỉ là dự án, hàng loạt lô đất tiền tỉ vẫn nằm im 'án binh bất động', bán không ai mua, trong khi đó số tiền vay ngân hàng lãi mẹ đẻ lãi con.
Theo ông Trần Khánh Quang, chuyên gia bất động sản cho rằng, việc các nhà đầu tư mua trên tin đồn, mua trên giá trị lợi nhuận khiến giá đất tăng nóng. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ tác động xấu lên thị trường và toàn nền kinh tế.
Giá đất được đẩy lên cao khi có thông tin doanh nghiệp xin đầu tư dự án. Ảnh: danviet.vn |
Nói rõ hơn về điều này, ông Quang cho biết, sau mỗi cơn sốt đất, thị trường sẽ phải đối mặt với 4 tác động chính. Không chỉ người mua, người bán, doanh nghiệp mà cả ngân hàng cũng phải đối mặt với nhiều khoản nợ xấu. Cụ thể:
Thứ nhất: Khi giá đất bị đẩy lên cao, người có nhu cầu thực về bất động sản rất khó tìm được một căn nhà hay miếng đất có giá trị phù hợp.
Thứ hai: Các doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất sẽ gặp khó khăn về đền bù, giải phóng mặt bằng.
Thứ ba: Ngân hàng sẽ khó khăn trong việc định giá tài sản nếu người vay dùng bất động sản này làm tài sản thế chấp.
Thứ tư: Giới đầu tư, đầu cơ đất thường sử dụng đòn bẩy tài chính bằng việc vay vốn ngân hàng. Khi cơn sốt đi qua, vỡ bong bóng bất động sản, ngân hàng sẽ đối mặt với rất nhiều khoản nợ xấu có thể mất rất nhiều năm để xử lý.
►Bắt đáy thị trường bất động sản, nhà đầu tư bắt đầu quay lại gom đất
►Bất động sản Vân Đồn: Liên tục “sốt đất” đến “đóng băng”
►Bà Rịa - Vũng Tàu: Khách hàng điêu đứng sau khi cơn sốt đất đi qua