Giá nhà hạng sang được dự báo ở mức gần 7.000 USD/m2 năm 2021 và sẽ tăng lên mức giá 7.300 USD/m2 trong năm 2022. Ảnh: Người Lao Động / Hoàng Triều

 
Văn Đạt Thứ Năm | 18/03/2021 08:00

Giá bất động sản hạng sang Việt vẫn rẻ trong mắt nhà đầu tư ngoại

Việt Nam, với vị trí chiến lược trong khu vực Đông Nam Á, đang trở thành điểm đến lý tưởng nhất trong mắt nhà đầu tư bất động sản nước ngoài.

Giá căn hộ hạng sang tại Việt Nam chỉ bằng một phần của giá căn hộ tại các thành phố lớn trong khu vực. Điều này khiến thị trường nhà ở cao cấp tại Việt Nam luôn nóng. 

“Đã đến lúc chúng ta phải mua nhà ở Việt Nam”. 

Khuyến nghị trên được đưa ra vào năm 2018. Ông Neil MacGregor, khi đó là Tổng Giám đốc của Savills Vietnam, đã nhìn thấy cơ hội rất lớn ở phân khúc bất động cao cấp tại đất nước được gọi là “ngôi sao đang lên của châu Á”.

Sức mua của người nước ngoài tại các dự án chung cư hạng sang cao ở mức chưa từng có, luôn kín “room” 30% mà Chính phủ cho phép, mặc dù trước đó, vào cuối năm 2017, nhiều người dự đoán nguồn cung căn hộ thuộc phân khúc này sẽ dư thừa nghiêm trọng.

Lý giải cho sức hút và tiềm năng của loại hình bất động sản này tại Việt Nam trong bài phân tích của mình, ông Neil MacGregor dẫn chứng các số liệu về tiềm năng tăng trưởng kinh tế và khả năng thu hút vốn FDI khá mạnh của quốc gia này. Nhu cầu nhà ở cao cấp sẽ tăng mạnh tại TP.HCM và Hà Nội khi số người giàu và siêu giàu tại Việt Nam sẽ tăng rất nhanh, chưa kể đến việc ngày càng nhiều người nước ngoài muốn sở hữu bất động sản tại đây, vị chuyên gia này nhận định.

Khi đó giá bất động sản tại Việt Nam vẫn còn rẻ hơn nhiều so với các thành phố trong khu vực như Kuala Lumpur và Bangkok. Giá chung cư hạng sang tại khu vực trung tâm thành phố TP.HCM được rao bán ở mức 5.500-6.500 USD/m, một phần nhỏ so với giá nhà ở Hồng Kông.

Ông Neil MacGregor cho rằng thị trường nhà ở cao cấp tại Việt Nam phải trải qua một chặng đường rất dài mới có thể có mức giá cao chóng mặt như Hồng Kông và Singapore, cho nên tiềm năng cho phân khúc bất động sản này còn rất lớn.

Năm 2020, bất chấp tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, giá bán tại phân khúc căn hộ hạng sang tại TP.HCM tăng 9% so với năm trước đó. Tuy lượng giao dịch thành công có giảm hơn so với 2019 nhưng giá nhà hạng sang được dự báo ở mức gần 7.000 USD/m năm 2021 và sẽ tăng lên mức giá 7.300 USD/m trong năm 2022, theo một báo cáo của CBRE. 

Nguồn cung căn hộ hạng sang giảm

Nguồn cung căn hộ khan hiếm và thị trường thứ cấp đang trở nên sôi động tại các quận phía Đông như quận 2 (Thủ Thiêm, An Phú, Thạnh Mỹ Lợi) và quận Bình Thạnh. Giao dịch thứ cấp do CBRE thực hiện ghi nhận mức giá tăng trung bình tại khu vực này từ 30-50% so với thời điểm chào bán.

Trên thực tế số lượng căn hộ hạng sang năm 2020 không tăng so với năm 2018, 2019. Trong năm 2020, thị trường tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm của nguồn cung chào bán do quy trình cấp phép mới và cấp phép sửa đổi các dự án tiếp tục kéo dài dẫn đến việc triển khai dự án chậm. Ngoài ra dịch COVID-19 đã làm gián đoạn các sự kiện mở bán được lên kế hoạch từ năm 2019.

Trong năm 2020 số lượng căn hộ được tung ra thị trường đạt 17.272 căn, giảm 35% so với năm 2019. Đây là mức thấp nhất trong vòng sáu năm qua và là năm thứ 5 liên tiếp thị trường ghi nhận sụt giảm về nguồn cung, theo CBRE. Hầu hết các dự án mới được chào bán đều thuộc phân khúc cao cấp và khu Đông chiếm 91% về nguồn cung chào bán.

Trong năm 2020, thị trường Hà Nội ghi nhận xấp xỉ 18.000 căn hộ mở bán mới, giảm 52% theo năm. Đây là mức mở bán thấp nhất theo năm tính từ năm 2015, thời điểm thị trường phục hồi mạnh mẽ.

FDI đổ mạnh vào bất động sản

Tuy khối lượng giao dịch trong năm 2020 tại Hà Nội và TP.HCM có giảm so với năm 2019, nhưng đây vẫn là lĩnh vực hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Trong quý III/2020 mặc dù thị trường bất động sản chịu tác động kép của dịch COVID-19 nhưng thị trường vẫn phản ứng khá tích cực khi tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực bất động sản tăng 400% so với quý trước đó.

Giá bất động sản tại Việt Nam vẫn còn rẻ hơn nhiều so với các thành phố trong khu vực như Kuala Lumpur và Bangkok. Ảnh: Internet 

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng lĩnh vực bất động sản luôn đứng thứ 2 về thu hút nguồn vốn đầu tư FDI, chỉ sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong năm 2020, lĩnh vực kinh doanh bất động sản thu hút gần 4,2 tỉ USD vốn FDI, cao hơn số vốn 3,88 tỉ USD của cả năm 2019.

Lý giải nguyên nhân vì sao lĩnh vực bất động sản lại nhận được sự quan tâm đặc biệt từ giới đầu tư nước ngoài, ông David Jackson, Tổng Giám đốc của Colliers Việt Nam, người đã làm việc tại thị trường này từ năm 2008, cho biết xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và chiến lược “Trung Quốc cộng một” (China Plus One) nhằm đa dạng hóa sản xuất ở nhiều quốc gia là một trong các lý do ngày càng có thêm nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật tìm đến Việt Nam.

Các nhà đầu tư từ Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc còn có thể được hưởng nhiều ưu đãi từ chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam, ông cho biết thêm.

“Rõ ràng thị trường tại Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc đã phát triển hơn thị trường bất động sản Việt Nam ở nhiều tiêu chí, do vậy, cơ hội tìm kiếm lợi nhuận cũng không còn nhiều,” ông David Jackson chia sẻ.

Thêm vào đó, diện tích chung cư trung bình trên đầu người tại Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực, ví dụ như Thái Lan. Vậy nên, cơ hội vẫn còn nhiều cho các nhà đầu tư.

Ngoài ra với dân số gần 100 triệu người, tầng lớp trung lưu đang ngày càng đông đảo cũng như tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu nhà ở là rất đáng kể, nhất là tại các đô thị. Vậy nên, không ít nhà đầu tư bất động sản tại các quốc gia kể trên hy vọng tìm kiếm được mức lợi nhuận tốt hơn tại thị trường Việt Nam.

Sức hút bất động sản hạng sang trong mắt nhà đầu tư

Với việc có quan hệ kinh tế sâu rộng với nhiều nền kinh tế hàng đầu trong khu vực và trên toàn thế giới, lại vừa ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do quan trọng, kết hợp với vị trí chiến lược và gần với các quốc gia nêu trên, việc xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam là hết sức thuận lợi.

Còn một yếu tố rất quan trọng khiến cho thị trường bất động sản Việt Nam trở nên hấp dẫn. Việt Nam đang là “điểm sáng” của khu vực khi là quốc gia hiếm hoi tăng trưởng dương trong năm vừa qua và thành tích chống dịch tốt.

Thị trường Việt Nam càng hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài khi quốc gia này liên tục đạt cột mốc minh bạch mới. Việt Nam liên tục thăng hạng trong hai năm qua trên Bảng xếp hạng Chỉ số Minh bạch Bất động sản Toàn cầu của nhà tư vấn bất động sản Jones Lang LaSalle. Nhờ sự phát triển của hai đô thị Hà Nội và TP.HCM, độ minh bạch của cả nước được xếp hạng 56 trên toàn cầu, bước vào nhóm các nước “bán minh bạch” lần đầu tiên sau một thập kỷ.

Cũng theo JLL, Hà Nội và TP.HCM lọt top 10 thành phố năng động nhất thế giới năm 2021. Việt Nam hiện diện trong bảng xếp hạng cùng thứ hạng cao, với Thủ đô Hà Nội đứng thứ 3 và TP.HCM đứng thứ 8 trong Top 10 thành phố năng động nhất.

Một lý do lớn nhất khiến thị trường căn hộ cao cấp tại Việt Nam hấp dẫn là mức giá ở đây vẫn còn thấp hơn rất nhiều các thành phố lớn khác trong khu vực. Theo ông David Jackson, hiện giá trung bình mỗi mét vuông căn hộ hạng sang tại trung tâm thành phố cũng chỉ bằng khoảng 18% so với căn hộ có vị trí tương đương tại Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc).

Xu hướng và khẩu vị đầu tư của giới nhà giàu Việt Nam cũng tạo ra sức hấp dẫn cho phân khúc bất động sản này. Những người giàu và siêu giàu Việt thích đầu tư vào bất động sản, coi bất động sản là kênh trú ẩn an toàn nhất.

Việt Nam, với vị trí chiến lược trong khu vực Đông Nam Á, đang trở thành điểm đến lý tưởng nhất trong mắt nhà đầu tư bất động sản nước ngoài. Nhiều chuyên gia nước ngoài cũng đã từng đặt ra câu hỏi để nói về sức nóng của thị trường địa ốc tại đây: “nếu không đầu tư vào bất động sản tại Việt Nam thì chúng ta có thể đầu tư vào nước nào đây?”