Giá bất động sản đã giảm đến 50%
Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ và các địa phương tổ chức sáng 24/12, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định, giá bất động sản tại Hà Nội và các địa phương khác đã giảm với mức bình quân 10-30%, thậm chí có dự án giảm tới 50%.
Nhiều chuyên gia dự báo bất động sản Việt Nam đang ở vùng đáy. Ảnh: VnExpress |
Đơn cử, ở Hà Nội, chung cư tại khu vực Cầu Giấy trong quý III đã giảm tới 27% so với quý I. Phân khúc trung cấp và cao cấp giảm khoảng 15%. Chung cư ở Khu vực Thanh Xuân, Hà Đông và Nam An Khánh giảm 12-21%. Giá đất nền cũng giảm mạnh, cá biệt đất nền dự án Nam An Khánh đã giảm tới 50% so với thời điểm năm 2010.
“Giá trước là ảo. Hiện các doanh nghiệp buộc phải giảm về giá trị thực nhằm tăng khả năng thanh khoản cũng như tiết giảm chi phí để giảm giá thành, đồng thời cấu trúc lại sản phẩm cho phù hợp với khả năng”, ông Dũng cho hay.
Thị trường đón nhận tín hiệu tích cực như giao dịch bất động sản tăng vào cuối năm nhất là phân khúc nhà ở xã hội, nhà chung cư có vị trí thuận lợi. Theo thống kê, giao dịch 2 quý cuối năm 2013 đã cao gấp 2 lần hai quý đầu năm.
Theo báo cáo của 17 doanh nghiệp và 5 sàn giao dịch bất động sản, tính đến hết quý III, Hà Nội có 4.062 giao dịch thành công; riêng tháng 11 có 1420 giao dịch thành công và dự báo quý 4 có 2.000 giao dịch. Trong khi đó, quý I và II, số giao dịch thành công chỉ ở mức hơn 500-700.
Tồn kho bất động sản cũng giảm mạnh dù nguồn cung nhà ở tiếp tục bổ sung. Tính đến hết tháng 11/2013, tồn kho bất động sản còn hơn 96.805 tỷ đồng, giảm gần 25% so với cuối quý I. Trong đó, Hà Nội giảm trên 20%, TP HCM giảm trên 30% tồn kho. “Như vậy những khó khăn của thị trường bất động sản đang từng bước được tháo gỡ”, Bộ trưởng Dũng lạc quan.
Về gói hỗ trợ địa ốc, người đứng đầu ngành xây dựng tái khẳng định, 30.000 tỷ đồng không phải để trực tiếp cứu bất động sản. Đây là gói giúp người dân có khó khăn về nhà ở được mua nhà với lãi suất thấp. “Gói này làm tốt sẽ tăng cầu cho bất động sản làm nền kinh tế sẽ ấm lên”, ông Dũng nói.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến 15/12, tổng số tiền giải ngân trong gói 30.000 tỷ đồng là 555,7 tỷ đồng. Như vậy, trong vòng gần nửa năm, ngân hàng mới giải ngân 1,85% số tiền ngân sách được chi. Mới đây, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các nhà băng giải ngân kịp thời gói 30.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp và người dân.
Lý giải nguyên nhân giải ngân gói 30.000 tỷ đồng bị chậm so với mục tiêu, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, doanh nghiệp tham gia nhà ở xã hội còn ít, ngoài ra thủ tục yêu cầu chặt chẽ, sự vào cuộc của các cấp chính quyền chưa hiệu quả.
Bộ trưởng Dũng đề nghị tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đồng thời thực hiện chiến lược phát triển nhà ở cùng quản lý phát triển đô thị. Để thị trường bất động sản chuyển biến tích cực, ngoài những giải pháp đang triển khai, lãnh đạo Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương tích cực vào cuộc kiểm tra, giám sát việc phát triển đô thị phải theo quy hoạch và có kế hoạch đồng thời thành lập các ban quản lý phát triển đô thị tránh để tình trạng dự án treo.
|
Nguồn Vnexpress