Người vay được khuyến nghị không nên vay quá 50% giá trị căn nhà. Ảnh: TL.
Gánh nặng nợ khi mua nhà trả góp
Bài toán tài chính khi mua nhà
Anh Hoàng Nam (32 tuổi) đang sinh sống và làm việc tại TP. HCM. Trước đây, anh có công việc và nguồn thu nhập ổn định, tuy không quá dư giả nhưng cũng đủ để “gồng lãi tiền nhà”. Tuy nhiên, gần đây công ty của anh làm việc không hiệu quả và anh không may là một trong những nhân viên phải rời công ty. Trong thời gian tìm việc mới, anh đã chạy xe công nghệ để có thêm thu nhập phần nào trang trải cuộc sống.
Trên quãng đường từ Quận 1 về Bình Thạnh, anh trải lòng “gồng lãi ngân hàng áp lực lắm”. Theo chia sẻ của anh Nam, anh cùng vợ mua một căn chung cư trả góp ở Quận 2, TP. HCM (khu vực Cát Lái) với giá hơn 2 tỉ đồng. Thời điểm mua nhà, anh và vợ đã vay ngân hàng hơn 1 tỉ đồng, và mỗi tháng phải chi trả tiền gốc và lãi gần 20 triệu đồng. Thời gian làm công ty có thu nhập ổn định thì hai vợ chồng có thể vun vén đủ để trả nợ ngân hàng. Nhưng hiện tại khi bất đắc dĩ thất nghiệp, anh cảm thấy rất áp lực với những khoản tiền lãi hàng tháng. Có lẽ trường hợp của anh Nam không phải hiếm trong bối cảnh kinh tế suy thoái, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm giờ làm, cắt giảm nhân sự, thậm chí là đóng cửa và giải thể.
Việc dùng vốn vay để tài trợ cho bất động sản gần như không còn xa lạ, nhưng vay ở mức độ nào để không bị quá áp lực nếu có rủi ro về dòng thu nhập là điều mà mỗi chúng ta luôn cần cân nhắc.
Mặc dù người cho vay sẽ cho bạn biết số tiền tối đa mà bạn có thể vay, nhưng bạn nên xem xét thật kỹ ngân sách của mình để hiểu số tiền bạn có thể thoải mái chi trả.
Ông Mark Reyes, Chuyên gia tư vấn tài chính của CFP đã chia sẻ về nguyên tắc mà bạn có thể tham khảo khi quyết định vay để mua nhà, đó là quy tắc tổng lương hàng năm. Cụ thể, nếu bạn kiếm được 60.000 USD mỗi năm, bạn nên suy nghĩ kỹ trước khi vay hơn 180.000 USD. Tuy nhiên, nếu bạn có một đối tác và thu nhập kết hợp của các bạn là 120.000 USD, bạn có thể thoải mái tăng số tiền vay lên 360.000 USD.
Kì vọng lãi suất cho vay mua nhà tiếp tục giảm
Theo số liệu từ Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), sau 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước kể từ tháng 3/2023, lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm 2-3,5% so với cuối năm 2022. Lãi suất cho vay cũng chứng kiến diễn biến đồng pha, song có độ trễ với mức độ giảm chậm hơn so với lãi suất huy động. KBSV kỳ vọng lãi suất huy động trong năm 2024 sẽ tiếp tục được duy trì như mặt bằng hiện tại, theo đó, lãi suất cho vay mua nhà có thể điều chỉnh giảm, vào khoảng 10-12%.
“Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đây vẫn là mức lãi suất tương đối cao để có thể thực sự kích thích nhu cầu của thị trường và sẽ có sự chọn lọc trong việc cho vay đối với chủ đầu tư và dự án”, KBSV nhìn nhận.
Tại kỳ họp thứ 6 diễn ra vào cuối tháng 15, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025; trong khi đó Luật Đất đai (sửa đổi) chưa được thông qua.
Theo KBSV, hai bộ luật mới có nhiều quy định mới, góp phần cải thiện tâm lý của người mua nhà và rút ngắn thời gian hoàn thiện pháp lý của chủ đầu tư, giúp thị trường thêm minh bạch. “Chúng tôi cho rằng đây là cơ hội cho các chủ đầu tư bất động sản có sức khỏe tài chính và khả năng triển khai dự án tốt; tuy nhiên cần có thời gian để các chính sách thực sự phát huy tác động và một số vướng mắc về pháp lý vẫn cần hướng dẫn cụ thể hơn”, KBSV nhận định.
Liên quan đến lãi suất, nhiều chuyên gia khuyến nghị, người vay mua nhà cần chú ý đến thời gian được hưởng lãi suất ưu đãi và ước tính sơ bộ về lãi suất thả nổi. Bên cạnh đó, người vay được khuyến nghị không nên vay quá 50% giá trị căn nhà và số tiền phải trả hàng tháng (bao gồm gốc, lãi) không vượt quá 30% thu nhập.
Có thể bạn quan tâm