Gần 300 tỷ đồng khôi phục cầu Long Biên 112 năm tuổi
Được xây dựng và hoàn thành từ năm 1902, đến nay, Cầu Long Biên đã được có tuổi đời 112 năm. Trải qua thòi gian và 2 cuộc chiến tranh phá hoại, nhiều nhịp cầu được thay bằng dầm tạm, các trụ tạm bị han rỉ và xô lệch, đường bộ hành nhiều nhịp bị võng, xệ. Tình trạng cầu Long Biên hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, uy hiếp an toàn giao thông đường sắt và đường bộ trên cầu.
Sau 2 lần gia cố, sửa chữa cầu Long Biên năm 1995 và 2002 với tổng mức vốn đầu tư là 114 tỷ đồng, từ năm 2010 đến nay, cầu Long Biên chưa được đầu tư gì thêm ngoài kinh phí bảo trì hàng năm, dẫn đến tình trạng cầu ngày càng xuống cấp.
Với yêu cầu cấp bách phải triển khai gia cố sửa chữa cầu Long Biên đảm bảo hoàn thành trong năm 2015, Bộ GTVT đã giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là chủ đầu tư dự án và ủy quyền cho Chủ tịch HĐTV Tổng công ty phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu nêu trên thuộc dự án Khôi phục cầu Long Biên - Giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư là 297,96 tỷ đồng.
Với yêu cầu phải hoàn thành vào tháng 12/2015, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã kiến nghị lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế và thi công xây lắp là các đơn vị chuyên ngành Đường sắt có nhiều về kinh nghiệm và năng lực thiết kế, quản lý và thi công hoàn thành công trình an toàn tuyệt đối cho người và các phương tiện thường xuyên đi qua cầu, đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ.
Dự kiến, tư vấn thiết kế BVTC là Liên danh Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT và Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng đường sắt; Đơn vị thi công là Liên danh Công ty cổ phần Công trình Đường sắt và Công TNHH MTV Quản lý đường sắt Thanh Hóa ...
Do đặc thù của Dự án là sửa chữa, gia cố công trình đường sắt đang khai thác, nằm trong khu vực nội đô Hà Nội kết nối Quận Long Biên, mật độ phương tiện xe máy, xe thô sơ dày đặc, do đó cần đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và các phương tiện thường xuyên đi qua cầu.
Bên cạnh đó, cầu Long Biên cũng phục vụ các tuyến đường sắt phía Bắc về trung tâm nên việc tổ chức thi công phải đảm bảo giao thông vận tải đường sắt liên tục và thông suốt.
Nguồn Báo Đầu tư