Thứ Tư | 19/06/2013 09:04

Dừng dự án nhà ở thương mại: Hà Nội muốn ép, doanh nghiệp đòi tự quyết

Hà Nội dự kiến không cấp phép nhà ở thương mại trong khi cho rằng nên do chủ đầu tư quyết định thay vì Hà Nội muốn là ép được.
Doanh nghiệp tự quyết định dừng hay không

Với nhà thương mại, trong 3 năm tới, Hà Nội dự kiến tạm dừng, chưa xem xét một số dự án và rà soát các dự án hiện có để phân loại xem dự án nào được thực hiện. Hà Nội cũng tiếp tục quản lý quỹ đất 20% trong dự án nhà thương mại để xây dựng nhà xã hội và áp dụng tỷ lệ chung cư đạt 87%, nhà cho thuê đạt 25% trong các dự án phát triển nhà.

Sau năm 2015, thành phố tiếp tục phát triển nhà ở thương mại với tỷ lệ chung cư đạt 89%, nhà cho thuê đạt 30% tại các dự án.

Đánh giá về chủ trương Hà Nội ngừng triển khai xây dựng nhà ở thương mại đến năm 2015, ông Phạm Sỹ Liêm, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó chủ tịch tổng Hội Xây dựng khẳng định, thị trường vận hành theo quy luật cung cầu nên nếu dư thừa thì không cấm chủ đầu tư cũng dừng.

Ông Liêm cho rằng, phải xem từng cái cụ thể một, trong bối cảnh hiện nay, không có khuyến khích phát triển căn hộ cao cấp nhưng không nên cấm ở những nơi mà chủ đầu tư xem xét có nhu cầu phát triển.

Hà Nội cũng chủ trương đối với những dự án nhà ở thương mại đang triển khai dang dở thì khuyến khích chuyển sang nhà ở xã hội. Còn dự án nào chưa triển khai, đang xin giấy phép triển khai thì ngưng. Sau 2 năm, thành phố mới lại tiếp tục triển khai nhà ở thương mại.

Đánh giá về điều này, ông Liêm cho rằng rất dễ xảy ra tình trạng xây dựng nhà ở xã hội ồ ạt, dẫn đến dư thừa vì thế chủ đầu tư phải nghiên cứu thị trường, có kế hoạch cụ thể. Rõ ràng nhu cầu nhà ở các huyện như Đông Anh, Hoài Đức, Long Biên… sẽ khác nhau và khác với khu vực nội thành.

Cần quy định rõ với từng trường hợp, từng thời điểm

Ông Nguyễn Đình Học, Phó giám đốc công ty đầu tư xây dựng HUD1cũng cho rằng, nhà ở xã hội, thật sự đúng mức một người dân bình thường vẫn khó tiếp cận và nếu để tình trạng xây nhà một cách ồ ạt thì nguy cơ hàng tồn kho nhà ở xã hội còn lớn hơn cả nhà thương mại.

Còn việc không cấp phép nhà ở thương mại trong hai năm tới hay việc khuyến khích chuyển nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, theo ông Học cái này là do chủ đầu tư quyết định. Vì lợi nhuận của doanh nghiệp rõ ràng chủ đầu tư phải tính toán. Doanh nghiệp nào khảo sát cảm thấy có lợi, trên cơ sở tình hình tài chính, chiến lược mà ép phải dừng xây dựng thì như thế bị xem là kìm hãm.

Theo ông Học thì để giải quyết hàng tồn kho, Nhà nước nên hỗ trợ về vốn cho cả người mua nhà và doanh nghiệp.

"Mỗi một lần thay đổi chính sách là một lần khó khăn. Cái loay hoay bây giờ là tiếp cận đồng vốn của người mua và chủ đầu tư. Đừng nghĩ chuyển từ nhà nọ sang nhà kia mà được", ông Học bày tỏ.

Trưởng phòng pháp chế của một công ty xây dựng cho rằng không thể ép doanh nghiệp dừng dự án vì những dự án đang xin phép triển khai thì sau 2-3 năm bị ngưng liệu tính hiệu quả của dự án có còn, thậm chí còn gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Và sau khoảng thời gian bị dừng ấy chắc chắn họ phải tính toán lại, làm thủ tục điều chỉnh.

Do đó vị trưởng phòng pháp chế trên cho rằng việc dừng dự án nhà thương mại cần quy định rõ với từng trường hợp, từng thời điểm cụ thể của dự án chẳng hạn dự án đã có chủ trương, dự án đang xin phép mà chưa phê duyệt, dự án đã phê duyệt nhưng chưa giải phóng mặt bằng, đã giải phóng mặt bằng, dự án đang làm hạ tầng…sẽ được xử lý thế nào.

Bên cạnh đấy là lo ngại trước tình trạng doanh nghiệp chạy theo nhà ở xã hội. Theo vị trưởng phòng pháp chế này, cần phải tính toán và có một kế hoạch cụ thể, phải thống kê xem có bao nhiêu dự án đang triển khai, có bao nhiêu căn hộ, nhu cầu thực là bao nhiêu…trước khi khuyến khích xây dựng nhà ở xã hội một cách ồ ạt dẫn đến nguy cơ thừa cung.

Nguồn Infonet


Sự kiện