Dừng cấp phép dự án bất động sản mới, nguyên nhân sâu xa nào?
“Đề nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương không cấp phép đầu tư mới đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, các dự án khu đô thị mới trong năm 2014”. Đề xuất này của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng gửi đến Chính phủ cuối tuần qua đang tạo ra dự luận trái chiều, đặc biệt là tác động siết "cung" có thể khiến giá tăng. Và sự thực có là như vậy.
Theo đánh giá của ông Dũng, từ đầu năm 2014, thị trường bất động sản tiếp tục có dấu hiệu phục hồi, thanh khoản tăng khá so với cùng kỳ năm ngoái, giá nhà có dấu hiệu chững lại, không giảm như những năm trước, thậm chí có dự án tăng giá nhẹ.
Ngoài nỗ lực của các doanh nghiệp, thì tác động của các chính sách hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho thị trường được triển khai quyết liệt trong thời gian qua đã góp phần giúp thị trường bất động sản phục hồi, nhất là phân khúc nhà ở có mức giá trung bình, diện tích căn hộ nhỏ, hợp lý, phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của đại đa số người dân.
Tuy nhiên, thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó vấn đề bội cung là một thách thức lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản.
Ông Dũng cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương tiến hành rà soát các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở trên địa bàn. Qua rà soát, dù chưa đầy đủ và nghiêm túc nhưng cũng đã cho thấy, hiện có quá nhiều dự án được phê duyệt.
Theo báo cáo của các địa phương, tính đến hết tháng 12/2013, cả nước có 4.015 dự án đã được phê duyệt với tổng mức đầu tư ước tính 4.486.674 tỷ đồng.
Trong đó, số dự án được tiếp tục triển khai theo báo cáo của 61 địa phương là 3.258 dự án (chiếm 81%), với diện tích đất là 81.565 héc-ta (chiếm 79,8,%), diện tích đất xây dựng nhà ở khoảng 29.545 héc-ta (chiếm 81,9 %).
Số dự án cần phải điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp, điều chỉnh quy hoạch theo báo cáo của 52 địa phương là 455 dự án (chiếm 11,2% số lượng dự án, các dự án này nằm cả trong số các dự án được tiếp tục triển khai và trong số các dự án tạm dừng), diện tích đất khoảng 21.087 héc-ta (gần 21%), diện tích đất xây dựng nhà ở khoảng 7.793 héc-ta (trong đó, Hà Nội có 285 dự án, TP. HCM có 33 dự án).
Các dự án tạm dừng triển khai theo báo cáo của 47 địa phương là 287 dự án, có diện tích đất 14.819 héc-ta (chiếm 14,5%), diện tích đất xây dựng nhà ở khoảng 4.395 héc-ta (chiếm 12,9%). Các dự án tạm dừng chủ yếu là do chủ đầu tư không huy động được thêm nguồn vốn để triển khai tiếp.
Còn 470 dự án, với tổng diện tích đất khoảng 6.983 héc-ta, là những dự án đã hoàn thành, hoặc chưa có báo cáo, các địa phương đang tiếp tục cập nhật số liệu báo cáo bổ sung.
Trước nguy cơ bội cung, ngoài kiến nghị ngừng cấp phép dự án bất động sản thương mại mới, Bộ Xây dựng còn đề nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương cần khẩn trương, nghiêm túc rà soát các dự án phát triển bất động sản trên địa bàn để phân loại và kiên quyết tạm dừng, dừng hẳn các dự án không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển, cũng như nhu cầu của địa phương.
“Đối với các dự án đã giải phóng mặt bằng, nhưng không phù hợp với nhu cầu và kế hoạch phát triển của địa phương thì tạm thời điều chỉnh mục đích sử dụng đất có thời hạn và cho phép chủ đầu tư tổ chức khai thác kinh doanh tạm (chuyển mục đích tạm thời như bãi đỗ xe, kho tàng...) không để đất trống và chỉ đầu tư tiếp khi được cấp có thẩm quyền cho phép”, ông Dũng nhấn mạnh.
Khơi thông cầu
Ngoài việc thắt chặt nguồn cung, Bộ Xây dựng cũng tìm giải pháp để khơi thông hơn nữa nguồn cầu, trong đó, ưu tiên gỡ nút thắt để dòng tín dụng từ gói 30.000 tỷ đồng được chảy mạnh.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, sau khi thống nhất với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh một số quy định có liên quan đến gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng theo hướng thông thoáng hơn.
Cụ thể, thời gian vay tăng từ 10 năm lên 15 năm (đối với khách hàng là cá nhân); mở rộng đối tượng vay để mua nhà ở thương mại có tổng giá trị hợp đồng cả nhà và đất không quá 1,05 tỷ đồng (không khống chế về diện tích và đơn giá).
Mở rộng cho vay đối với các hộ dân ở vùng thường xuyên xảy ra bão lũ thuộc các tỉnh duyên hải, miền Trung đã có đất ở phù hợp với quy hoạch, có khó khăn về nhà ở (chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng xuống cấp hư hỏng), được vay để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở với lãi suất 4%/năm;
Mở rộng cho vay đối với các hộ dân ở đô thị; cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đã có đất ở phù hợp với quy hoạch, có khó khăn về nhà ở (chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng xuống cấp hư hỏng) được vay để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở, nhưng tổng số vốn vay không quá 80% x 1,05 tỷ đồng;
Mở rộng cho vay đối với các hợp đồng mua nhà ở xã hội đã ký trước 7/1/2013 mà chưa thanh toán hết tiền mua nhà (đối với khoản tiền chưa nộp theo tiến độ).
Về ngân hàng triển khai, ngoài 5 ngân hàng thương mại nhà nước, sẽ bổ sung thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho vay đối với các đối tượng được vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP. Đồng thời nghiên cứu ban hành tiêu chí, trình tự thủ tục cho vay gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng để áp dụng thống nhất trong các ngân hàng được giao thực hiện gói tín dụng hỗ trợ nhà ở này, tránh việc mỗi ngân hàng lại có tiêu chí, quy trình, thủ tục cho vay khác nhau. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng thành lập tổ công tác liên ngành để chỉ đạo đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở.
Nguồn Đầu tư Chứng khoán