Dự án tuyến metro số 1: Ai nộp phạt 2 tỉ đồng/ngày?
UBND TP.HCM là chủ đầu tư dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang đứng trước nguy cơ bị kiện đòi tiền phạt 100.000 USD/ngày do chậm giao mặt bằng dự án tuyến metro số 1. Tại sao? Nếu bị phạt, ai chịu trách nhiệm về khoản tiền này?
Theo thông báo từ phía nhà thầu Nhật Bản vào cuối tháng 1-2015: UBND TP.HCM đối diện với nguy cơ bị phạt khoảng 100.000 USD (hơn 2 tỉ đồng)/ngày do chậm bàn giao mặt bằng thi công tuyến metro số 1 cho nhà thầu này.
“Cam làm, quýt chịu”
Theo cam kết của UBND TP.HCM với nhà thầu, chậm nhất cuối tháng 10-2014 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng trống của dự án để nhà thầu triển khai thi công. Nhưng đến nay còn một doanh nghiệp chưa di dời là Công ty TNHH thương mại dịch vụ Vĩnh Phát (Công ty Vĩnh Phát) đang sử dụng gần 20.000m2 đất tại P.Bình Thắng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Nhà thầu đã có công văn khiếu nại đến chủ đầu tư dự án.
Toàn bộ kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án là từ ngân sách của UBND TP. UBND tỉnh Bình Dương thu hồi đất, đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp làm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng là UBND thị xã Dĩ An.
Tuy nhiên, hiện chưa thể biết chính xác thời gian nào sẽ bàn giao mặt bằng cho UBND TP vì còn lệ thuộc vào quá trình UBND tỉnh Bình Dương giải quyết khiếu nại của Công ty Vĩnh Phát.
Về nguyên nhân chậm bàn giao mặt bằng, ông Võ Văn Giàu - phó chủ tịch UBND thị xã Dĩ An - cho rằng UBND thị xã Dĩ An đã làm hết sức, hết trách nhiệm của mình. Trong dự án trên có tổng cộng 115 hộ dân và năm doanh nghiệp nhưng chỉ còn mỗi Công ty Vĩnh Phát chưa chịu di dời.
Việc giải phóng mặt bằng chậm do yếu tố khách quan chứ không phải do UBND thị xã làm sai hay không chấp hành chỉ đạo của UBND tỉnh. Ông Giàu khẳng định: “Do đó, nói Dĩ An phải chịu trách nhiệm bồi thường do chậm bàn giao mặt bằng thì theo tôi là oan”.
Một chuyên gia về bồi thường của TP.HCM cho rằng đơn vị làm công tác bồi thường chưa làm hết trách nhiệm của mình. Đối với những dự án cấp bách thì UBND thị xã Dĩ An không cần chờ giải quyết khiếu nại của người dân xong mới cưỡng chế di dời.
Nhiều trường hợp phải giải quyết khiếu nại kéo dài, qua nhiều cấp tòa xử kéo dài nhiều năm thì sẽ không làm được dự án. Quy định hiện nay cho phép cơ quan chức năng tiến hành cưỡng chế thu hồi đất, người sử dụng đất có trách nhiệm phải bàn giao đất không phụ thuộc vào quá trình giải quyết khiếu nại. Sau khi giao đất cho Nhà nước, người sử dụng đất vẫn được quyền tiếp tục khiếu nại về chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng.
Theo luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn luật sư TP.HCM), trước mắt UBND TP phải chịu khoản tiền phạt “khủng” do phía nhà thầu đưa ra, vì đây là cơ quan trực tiếp chịu trách nhiệm và vi phạm về thời hạn bàn giao mặt bằng.
Nếu trong quá trình hợp tác, UBND TP.HCM chứng minh được rằng UBND tỉnh Bình Dương tắc trách, làm sai, vi phạm cam kết giữa hai bên thì sẽ khởi kiện để yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương phải trả lại khoản tiền phạt đó.
Ông Giàu cho biết UBND thị xã Dĩ An đã thành lập ban cưỡng chế di dời từ tháng 12-2014 để chuẩn bị cho các bước. Ban cưỡng chế họp hai phiên rồi nhưng sau đó có đơn khiếu nại của doanh nghiệp và UBND tỉnh yêu cầu ngưng cưỡng chế để kiểm tra lần cuối. Nếu sau khi UBND tỉnh có ý kiến cụ thể mà doanh nghiệp không thực hiện thì UBND thị xã sẽ tổ chức cưỡng chế.
Phần mặt bằng của Công ty Vĩnh Phát chưa bàn giao để thi công tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) - Ảnh: Hữu Khoa |
Doanh nghiệp nói gì?
Tiếp xúc với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Lương - giám đốc Công ty Vĩnh Phát - cho biết việc UBND thị xã Dĩ An bồi thường giải phóng mặt bằng cho Công ty Vĩnh Phát còn nhiều sai sót.
Bà Lương cho rằng quyết định thu hồi đất của công ty do UBND tỉnh Bình Dương ký năm 2012 nhưng Công ty Vĩnh Phát chính thức nhận vào tháng 7-2014, nên công ty phải được tính giá bồi thường đất bằng giá thị trường vào thời điểm năm 2014. Nếu không được bồi thường theo giá này, UBND tỉnh Bình Dương phải hoán đổi vị trí đất có diện tích tương đương tại P.Bình Thắng.
Theo công ty, các quyết định về bồi thường vật kiến trúc của công ty chỉ được tính bằng 50-60% giá kiến trúc mới, điều này là không hợp lý. Công ty không tính khấu hao tài sản trong quá trình sản xuất nên phải được bồi thường bằng 100% giá vật kiến trúc mới.
Hơn nữa, diện tích đất theo các quyết định thu hồi đất và bồi thường thiếu gần 300m2 so với diện tích đất trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, một số tài sản trên đất cũng bị kiểm kê thiếu. Khu đất của công ty nằm trên ba dự án khác nhau nhưng UBND tỉnh Bình Dương chỉ ra một quyết định thu hồi đất là không đúng.
Trao đổi về những yêu cầu đặt ra của đại diện Công ty Vĩnh Phát, ông Võ Văn Giàu nói tỉnh Bình Dương đang xem xét lại những khiếu nại của doanh nghiệp. Là chủ tịch hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng, ông Giàu cho rằng UBND thị xã đã áp dụng tất cả chính sách pháp luật có lợi nhất cho doanh nghiệp sử dụng đất trong dự án ghép này.
Giá đất bồi thường cho công ty bằng với giá cùng dự án ở khu vực giáp ranh thuộc TP.HCM, hoàn toàn không có cơ sở áp giá đất năm 2014 để bồi thường như yêu cầu của doanh nghiệp.
Ông Giàu còn cho biết UBND tỉnh Bình Dương đang phúc tra lại diện tích đất của Công ty Vĩnh Phát và các tài sản trên đất theo nội dung khiếu nại.
Theo nghị định 69 năm 2009 về bồi thường thì tài sản trên đất của doanh nghiệp đã khấu hao hằng năm nên chỉ bồi thường theo giá trị còn lại. Việc ban hành một quyết định bồi thường chung cho cả ba dự án nhưng có ghi rõ diện tích riêng của từng dự án là do thỏa thuận, bàn bạc giữa UBND TP.HCM và UBND tỉnh Bình Dương.
Về việc chậm giao quyết định thu hồi đất cho Công ty Vĩnh Phát, theo ông Giàu, tháng 4-2013 UBND thị xã có tổ chức giao quyết định cho công ty nhưng lúc đó giám đốc công ty không có mặt, kế toán công ty thì từ chối nhận quyết định.
UBND thị xã phải tổ chức niêm yết quyết định thu hồi đất tại UBND P.Bình Thắng và khu phố công ty có trụ sở. “Công ty đề nghị bàn giao mặt bằng cho dự án xa lộ Hà Nội và metro số 1, để lại phần đất thuộc dự án bến xe Miền Đông... là không được vì những dự án này phải triển khai đồng bộ” - ông Giàu nhấn mạnh.
Công ty Vĩnh Phát cho khoan thăm dò Ngày 4-2, bà Nguyễn Thị Lương - đại diện Công ty Vĩnh Phát - đã đối thoại với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương về các khiếu nại của Công ty Vĩnh Phát liên quan tới việc giải phóng mặt bằng của công ty này. Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, cuộc họp diễn ra trong cả ngày, bàn rất nhiều nội dung hai bên chưa thống nhất. Cuộc họp này có sự tham dự của đại diện Cục 3 Thanh tra Chính phủ. Kết thúc cuộc họp, đại diện Công ty Vĩnh Phát đồng ý cho cơ quan chức năng khoan thăm dò địa chất để phục vụ dự án. Tuy nhiên, về thời điểm bàn giao mặt bằng thì các bên chưa thống nhất được. Đại diện Công ty Vĩnh Phát đề nghị trong số toàn bộ diện tích đất của công ty liên quan tới ba dự án, công ty sẽ bàn giao mặt bằng của hai dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và metro số 1, còn dự án bến xe Miền Đông mới thì sẽ xem xét sau. Công ty Vĩnh Phát cũng khiếu nại nhiều nội dung liên quan tới phần chênh lệch khoảng 300m2 của công ty, việc chi tiền hỗ trợ di dời máy móc... Theo UBND tỉnh Bình Dương, dự kiến đầu tuần tới sẽ ban hành quyết định giải quyết khiếu nại của Công ty Vĩnh Phát. |
Nguồn Tuổi trẻ