Dự án Thanh Đa - Bình Quới: Nhà đầu tư Dubai chắc chắn đến đâu?
Trong khi thị trường bất động sản khu Đông Sài Gòn đang nóng lên từng ngày với hàng loạt dự án lớn nhỏ thì thời điểm này cũng là thời điểm ông hoàng bất động sản tại Dubai - Emaar Properties PJS bắt tay cùng Tập đoàn Bitexco “đánh thức” dự án Thanh Đa - Bình Quới sau hơn 20 năm “say giấc”. Trong cơn say ngủ, giấc mộng vàng của bán đảo này cũng được thêu dệt khá đẹp và liệu giấc mơ này có trở thành hiện thực hay cứ mãi là dự án tỉ đô nằm trên giấy?
Được biết, năm 1992 dự án Thanh Đa - Bình Quới đã được Ủy ban Nhân dân TP.HCM phê duyệt và đến năm 2004 dự án đã được Thành phố giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, do thiếu năng lực nên đơn vị này không triển khai được dự án và đến năm 2010 Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã thu hồi quyết định. Sau đó, Bitexco được Thành phố giao thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2000 của dự án với toàn bộ gần 430 ha đất, tương đương diện tích toàn phường 28, quận Bình Thạnh.
Sau khoảng thời gian khá yên ắng, dự án này đã được Ủy ban Nhân dân TP.HCM một lần nữa quyết định phê duyệt cho liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJS xúc tiến thực hiện. Theo quyết định này, nhà đầu tư sẽ xây dựng khu đô thị mới theo các tiêu chí của một đô thị sinh thái hiện đại với hạ tầng xã hội - kỹ thuật đô thị được đầu tư xây dựng đồng bộ, nằm trong tổng thể không gian công viên sinh thái, cảnh quan thiên nhiên. Tổng diện tích triển khai dự án khoảng 426,93 ha bao gồm toàn bộ phường 28, quận Bình Thạnh, không tính phần diện tích mặt nước sông Sài Gòn. Tổng vốn đầu tư cho dự án này vào khoảng 30.700 tỉ đồng.
Thời gian thực hiện dự án trong 50 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng. Trong đó, giai đoạn 1 (2016-2020) tập trung hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng các công trình kỹ thuật chính. Giai đoạn 2 (2021-2025), nhà đầu tư sẽ thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật và các khu vực chức năng của dự án. Giai đoạn 3 (2026-2030) hoàn thành đầu tư xây dựng các hạng mục còn lại của dự án. Hiện tại cơ cấu vốn giữa Emaar Properties và Bitexco trong dự án Thanh Đa - Bình Quới vẫn chưa được tiết lộ.
Điểm qua “lý lịch” mới thấy dự án này có quy mô quá lớn, đòi hỏi tầm vóc, năng lực vốn của các đơn vị triển khai. Trước tiên hãy nói về Emaar Properties PJS đến từ Dubai, vốn được biết đến là đất nước của những tòa nhà chọc trời. Emaar Properties PJS là tập đoàn giàu có hàng đầu ở Dubai và cũng là thành viên của Dubai ICD, một tập đoàn sở hữu khối tài sản quản lý lên tới 120 tỉ USD gồm cả hãng hàng không Emirate Airlines, Ngân hàng Quốc gia Emirates. Dubai ICD cũng là chủ sở hữu những dự án nổi tiếng như Buri Khalifa, The Dubai Mall...
Được sự hậu thuẫn lớn từ Dubai ICD, Emaar Properties PJS có “tấm giấy thông hành” để thực hiện các dự án lớn. Có thể thấy, ngoài dự án Thanh Đa - Bình Quới, Emaar Properties cũng đang có ý định nghiên cứu phát triển Future City, dự án Thành phố tương lai tại Quảng Ninh.
Dù có sự hậu thuẫn lớn nhưng tương lai vẫn còn ở phía trước và câu chuyện 50 năm rất dài nên chưa thể kết luận điều gì. Nghi vấn này được đặt ra cũng bởi lý do trước đây có nhiều dự án của những tỉ phú Dubai đầu tư tại Việt Nam đến nay vẫn còn yên ắng.
Một ví dụ là Magnum Group với dự án biệt thự nghỉ dưỡng đầu tiên của Việt Nam - Vegas Beach Resort tại bãi biển Non Nước, có quy mô 15 ha và tổng vốn đầu tư 24 triệu USD. Dự án được khởi công vào năm 2003 nhưng sau đó án binh bất động trong nhiều năm và phải bán lại cho Kingdom Hotel Investments. Đến năm 2008, khu nghỉ dưỡng này mới được xây dựng lại và đổi tên thành Raffles Resort.
Địa điểm du lịch nổi tiếng Gành Đá Dĩa của tỉnh Phú Yên năm 2008 cũng được Sama Dubai nhắm đến. Tập đoàn này đầu tư khoảng 500 triệu USD cho một dự án khu du lịch tại đây cũng như dự án nâng cấp sân bay Tuy Hòa, dự án tuyến đường cao tốc nối sân bay Tuy Hòa đến Gành Đá Dĩa. Tổng mức đầu tư 3 dự án này lên đến gần 1 tỉ USD, nhưng cho đến nay vẫn chưa có tín hiệu nào cho thấy giấc mơ của Tập đoàn Sama Dubai sẽ có ngày trở thành hiện thực.
Global Sphere, một đại gia khác từ Dubai, cũng đến rất ồn ào nhưng ra đi một cách lặng lẽ. Tham vọng của tập đoàn này là đầu tư dự án Wall Street Hà Nội trị giá lên đến 30 tỉ USD. Theo thông tin của The Gulf Today, dự án này sẽ hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2020 với mức đầu tư 10 tỉ USD, có đến 70 tòa chung cư.
Với các dự án còn nằm trên giấy của những tỉ phú Dubai, cũng là dễ hiểu khi có không ít hoài nghi về tương lai của những dự án như Thanh Đa - Bình Quới.
Hãy nói về Bitexco. Không thể phủ nhận tập đoàn này không chỉ tạo dấu ấn cho người dân TP.HCM mà còn cho du khách xa gần biết đến một biểu tượng của Thành phố là tòa nhà 68 tầng Bitexco Financial Tower nằm ngay trung tâm quận 1. Không bề thế như Emaar, nhưng Bitexco cũng có nhiều dự án nổi bật như The Manor Hà Nội, The Manor TP.HCM, The Manor Lào Cai và The Manor Huế, khách sạn JW Marriott Hanoi và Ritz Carlton Sài Gòn, gần đây nhất là dự án The One tại TP.HCM và dự án 1,9 tỉ USD The Manor Central Park ở Hà Nội.
Hồi đầu tháng 10 năm ngoái, Bitexco cũng được Ủy ban Nhân dân TP.HCM giao lập thiết kế sơ bộ 2 cây cầu Bình Quới - Thủ Đức 2 và Bình Quới - Rạch Chiếc. Chi phí đầu tư cho 2 cây cầu này vào khoảng 4.000 tỉ đồng. Có thể xem đây là một trong những động thái bước đầu của quá trình thực hiện dự án. Theo quy hoạch, nơi đây sẽ trở thành khu đô thị du lịch, sinh thái và để đảm bảo theo đúng yếu tố sinh thái, diện tích được xây dựng nhà ở sẽ không nhiều, chỉ ở khoảng 50% tổng diện tích. Giám đốc một công ty xây dựng và kinh doanh nhà tại TP.HCM (không muốn nêu tên) cho rằng nếu diện tích xây dựng thấp khoảng 30%, lượng sản phẩm nhà sẽ thấp và với mức đầu tư lớn, nếu khả năng sinh lời từ việc bán sản phầm nhà không cao thì sẽ là rào cản đối với nhà đầu tư.
Từ nhiều nguồn tin cho biết, hiện nay Bitexco đang trong giai đoạn phối hợp cùng các cấp chính quyền xây dựng phương án đền bù giải tỏa, tái định cư dự án Bình Quới - Thanh Đa. Và cùng với Emaar Properties PJS, Bitexco cũng đang tiếp tục kêu gọi hợp tác đầu tư khu đô thị này với nhiều tập đoàn bất động sản trong và ngoài nước. Song song đó, Tập đoàn cũng đang làm việc với các đơn vị tư vấn, chuẩn bị triển khai lập đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500.
Đức Tài