Thứ Năm | 18/09/2014 10:33

Dự án PetroVietnam Landmark: Thanh tra Bộ Xây dựng vào cuộc

Trước đó, PVC đã kiểm tra toàn diện dự án, phát hiện nhiều chuyện không thể ngờ...
Làm việc với chủ đầu tư (CĐT) dự án là Công ty cổ phần bất động sản dầu khí (PVC Land) và Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PVC - công ty mẹ của PVC Land), Thanh tra Bộ Xây dựng (XD) yêu cầu cung cấp toàn bộ tài liệu liên quan để làm rõ.

"Tiếp khách" bằng hàng hiệu

Sau khi khách hàng (KH) tố cáo hàng loạt sai phạm của CĐT, PVC đã thành lập tổ công tác kiểm tra dự án này (P.An Phú, Q2, TPHCM). Phó tổng giám đốc (TGĐ) PVC Bùi Ngọc Hưng dẫn đầu, làm việc với PVC Land từ ngày 11 đến 15-8-2014.

Qua kiểm tra chứng từ, tổ công tác phát hiện nhiều khoản chi phí, thanh toán không có dự trù kinh phí, cũng chẳng có thời hạn hoàn tạm ứng. Đáng chú ý, rất nhiều khoản chi cho KH, trong đó có những khoản từ 100 đến hơn 140 triệu đồng, được thanh toán bằng tiền mặt sai nguyên tắc dẫn đến nguy cơ PVC Land không được khấu trừ thuế đầu vào.

Lạ nhất là phần chi "tiếp khách" bằng những món hàng "xịn", như thắt lưng, áo quần, giày dép, túi xách... Điển hình ngày 31-7-2013, PVC Land thanh toán tiếp khách nhưng hóa đơn lại thể hiện "mua túi xách" 12,5 triệu đồng? Ngày 9-8-2013, đơn vị này thanh toán cùng mục trên hơn 16 triệu đồng với hóa đơn "mua giày, thắt lưng"? và ngày 19-8-2013, lại tiếp khách với hóa đơn "mua túi xách" gần 16,2 triệu (!).

"Bổn cũ soạn lại", ngày 9-9-2013 PVC Land tiếp khách gần 27,9 triệu kèm theo hóa đơn "mua áo khoác nữ, quần và áo sơ-mi nam", ngày 8-10-2013 tiếp khách 6,3 triệu đồng bằng hóa đơn "mua kim từ điển". Chưa dừng lại, vào các ngày 27-1 và 17-2-2014, PVC Land lại tiếp khách bằng hai hóa đơn "mua túi xách và giày" lần lượt là 26,3 và 17,7 triệu...

Nhiều KH của dự án có chung bức xúc: trong khi dự án "trùm mền" không có vốn triển khai, CĐT đang nợ như chúa chổm, vậy mà lại vung tiền mua sắm những món hàng hiệu để "tiếp khách". Chẳng biết khách "VIP" nào lại được đón tiếp nồng hậu đến thế?
Khi ngân hàng "quay lưng"
Theo PVC, chủ đầu tư đã không lường hết ảnh hưởng nặng nề khi thị trường bất động sản suy thoái, trong lúc ngân hàng không cho vay thêm vốn, cũng chẳng thu tiếp được tiền của KH nên dẫn tới DA phải tạm dừng, chậm bàn giao nhà đến nay là 2,5 năm.

Chỉ riêng tại Ngân hàng TMCP Liên Việt (chi nhánh TPHCM), tính đến ngày 13-8-2014 PVC Land nợ cả vốn lẫn lãi hơn 191 tỷ đồng. Do nhiều khoản đã quá hạn nhưng PVC Land không có tiền trả, đành chấp nhận để lãi mẹ đẻ lãi con, sinh lãi... cháu chắt! Dự kiến nếu hoàn thành dự án thì PVC Land lỗ 269 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của công ty chỉ 300 tỷ nhưng chỉ mới góp được 249,6 tỷ.

Để tháo gỡ khó khăn, ngày 3-3-2014 CĐT có văn bản "cầu cứu" Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Ngày 6-3-2014, PVC cũng có văn bản gửi nơi này xem xét hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn tài chính để hoàn thiện dự án. Cụ thể, PVC và PVC Land kiến nghị NHNN chỉ đạo NH Liên Việt cho phép gia hạn khoản nợ gốc 136,28 tỷ từ 3 đến 5 năm, xóa toàn bộ nợ lãi trái phiếu, giảm lãi suất từ 15% xuống dưới 12% và tiếp tục tài trợ vốn để hoàn thành dự án.

Ngày 27-6-2014, NHNN có văn bản 4554/NHNN-TD khẳng định: những khó khăn của PVC Land gặp phải hiện nay không phải do thị trường bất động sản đóng băng mà là từ các nguyên nhân khác như doanh nghiệp (DN) chưa góp đủ vốn điều lệ nên tài chính yếu; kinh nghiệm và khả năng tổ chức quản lý sản xuất hoạt động kinh doanh còn hạn chế, thời gian xây dựng kéo dài...

Đối với các kiến nghị của PVC và PVC Land, NHNN cho rằng không phù hợp với quy định pháp luật hoặc không thuộc thẩm quyền giải quyết, đề nghị CĐT làm việc trực tiếp với phía Liên Việt để tháo gỡ; chủ đầu tư nên bán, thanh lý bớt các tài sản chưa có nhu cầu sử dụng ngay để đảm bảo nguồn vốn và khả năng tài chính cho DN hoạt động đồng thời đề nghị cổ đông góp thêm vốn, trước mắt phải đủ vốn điều lệ đã đăng ký.

Trước đó, CĐT đã nhiều lần làm việc với NH Liên Việt để xin xóa nợ lãi, gia hạn nợ và được tiếp tục vay vốn nhưng đã bị từ chối. Hiện NH đã kiện CĐT ra Tòa án Q1 để đòi nợ.
"Mẹ" xin cứu "cháu"

Theo tính toán, CĐT cần chi hơn 543,5 tỷ đồng để hoàn thành dự án. Trong khi đó, số tiền khách hàng chưa đóng và những khoản đã lỡ cho nhà thầu tạm ứng dư chỉ khoảng gần 344,2 tỷ đồng. Như vậy, nếu thu được hết tiền từ KH và khoản tạm ứng thì PVC Land vẫn còn hụt gần 200 tỷ. Hiện tại, PVC Land đã cụt vốn nhưng không thể tiếp tục vay ngân hàng do nợ gốc và lãi quá lớn chưa thanh toán.

Với tình hình hiện tại, dự án hoàn toàn tê liệt, chưa có phương án tháo gỡ. Trước phản ứng gay gắt của KH, Thanh tra Bộ Xây dựng vào cuộc và ngày 22-8-2014 đã có buổi làm việc với PVC, PVC Land. Tham dự cuộc họp là hai Phó TGĐ của PVC Bùi Tiến Thành, Nguyễn Trung Trí; Chủ tịch HĐQT PVC Land Nguyễn Trung Thành, TGĐ PVC Land Nguyễn Nam Sơn cùng nhiều cán bộ hai công ty.

Đến thời điểm này dự án hoàn thành được 85% khối lượng, phần thô đã xong, thang máy được lắp đặt cho cả 4 block và đang trong quá trình chạy thử, điện nước đã hoàn thành được 60%. Sau khi nghe báo cáo tình hình, Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu CĐT giải trình việc thế chấp dự án vay ngân hàng như tố cáo của khách hàng. Thật bất ngờ, PVC Land chối bay chối biến việc này. Chủ đầu tư cho rằng do dự án chưa được cấp sổ đỏ nên không thể thế chấp ngân hàng. PVC Land chỉ thế chấp quyền phải thu của khách hàng cho "nhà băng" (!).

Kết thúc cuộc họp, Thanh tra Bộ XD yêu cầu PVC Land cung cấp tài liệu liên quan đến dự án như tất cả hợp đồng hợp tác, liên danh, hồ sơ cấp phép xây dựng, các văn bản kết luận, chỉ đạo của UBND và Sở Xây dựng TPHCM; biên bản làm việc với khách hàng.. để Thanh tra bộ xem xét xử lý.

Lâm vào đường cùng, PVC buộc phải gửi công văn đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đề nghị cứu dự án của công ty "cháu" PVC Land thoát khỏi nguy cơ phá sản, tránh hậu quả khó lường...

Nguồn Công An TPHCM


Sự kiện