Ảnh: baomoi.com.vn

 
Duyên Hà Thứ Ba | 18/02/2020 17:30

Dự án kéo dài 12 năm, qua 5 đời chủ tịch tỉnh vẫn chưa giải phóng mặt bằng xong

Chủ tịch GP.Invest cho biết, một dự án kéo dài suốt 12 năm, trải qua 5 đời chủ tịch tỉnh nhưng vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Phát biểu tại hội nghị trao đổi những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư về chính sách của nhà nước, đối với thị trường bất động sản Việt Nam do Hiệp hội bất động sản Việt Nam tổ chức sáng 18/02, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP.Invest cho biết, doanh nghiệp này đang gặp khó khăn do hệ thống pháp lý chồng chéo.

Theo ông Hiệp, trong các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam thì doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn nhất bởi họ đang bị chi phối bởi 10 loại luật và thủ tục hành chính như một ma trận vây doanh nghiệp.

Dẫn ví dụ cụ thể, ông cho biết, bản thân GP.Invest cũng đã rất khổ sở khi phải trải qua những thủ tục pháp lý về đất đai. Điển hình là một dự án tại Phú Thọ, mặc dù doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2008, song đến nay việc giải phóng mặt bằng vẫn chưa xong. Nguyên nhân là do, hệ số đền bù giữa các tỉnh khác nhau dẫn tới doanh nghiệp và người dân không thỏa hiệp được. “Một dự án kéo dài suốt 12 năm, trải qua 5 đời chủ tịch tỉnh nhưng vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng… Những nỗi khổ này ai thấu cho doanh nghiệp bất động sản?”, ông Hiệp chia sẻ.

Trong khi đó, bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng Giám đốc FLC chia sẻ, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp này gặp phải nhiều khó khăn liên quan đến pháp lý, nguồn vốn, thủ tục hành chính.

Theo bà Dung, về pháp lý, sự thiếu đồng bộ, chồng chéo trong các văn bản luật ảnh hưởng rất nhiều đến các dự án bất động sản. Trong 2 năm trở lại đây, các địa phương rất ngại vấn đề về phê duyệt dự án. Theo đó, các tỉnh giao đất cho doanh nghiệp không nhiều, nếu tình trạng này không được khắc phục thì năm sau số dự án được phê duyệt xây dựng sẽ rất ít, làm giảm cơ hội đầu tư kinh tế địa phương… Bên cạnh đó còn những vấn đề mâu thuẫn giữa đấu thầu với đấu giá cũng khiến doanh nghiệp gặp không ít trở ngại.

Có thể nói, làm hết thủ tục bài bản để xây dựng dự án, ít nhất doanh nghiệp phải mất 2 năm. Điều này khiến doanh nghiệp gặp khó khăn và bị lỡ các cơ hội đầu tư.

Về nguồn vốn, cần thêm các gói hỗ trợ và các chính sách khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp.

Về thủ tục hành chính, hiện nay nhà nước quan tâm đến thủ tục hành chính nhưng thủ tục nội bộ lại chưa được thông. Vì làm từ Trung ương đến địa phương phải qua rất nhiều cửa, đợi chờ phê duyệt, xin ý kiến của các cấp mất nhiều thời gian. Một văn bản nhanh phải trải qua 2 tháng, lâu nhất là 6 tháng.

Nói thêm về những khó khăn này, bà Dung cho rằng, việc xử lý các thủ tục nội bộ nếu không cải tổ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường bất động sản trong tương lai và doanh nghiệp cũng tiếp tục gặp khó, trễ tiến độ thực hiện dự án.

►Dự án bất động sản “ách tắc”: Doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản

Khó khăn, Novaland gửi đơn cầu cứu khẩn cấp Bộ trưởng Bộ Xây dựng

TP.HCM: Thị trường BĐS "đứng hình", không có dự án nào được công nhận chủ đầu tư