Ảnh: Thanhnien.vn

 
Hà Linh Thứ Bảy | 08/02/2020 20:14

Dự án “đóng băng”, thị trường bất động sản còn sẽ còn suy giảm trong vài năm tới

Dự án “đóng băng” khiến hầu hết các doanh nghiệp bất động sản rơi vào khó khăn, thậm chí có thể có nguy cơ phá sản.

Mới đây, Tập đoàn Novaland đã có đơn cầu cứu gửi tới Bộ trường Xây dựng nhằm tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án 32 ha đã “đóng băng” 2 năm nay do vướng pháp lý.

Trên thực tế, không chỉ Novaland, mà đây là thực trạng chung của nhiều dự án bất động sản trong thời gian qua. Theo ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA), năm 2019 cũng là năm thứ hai, thị trường bất động sản và các doanh nghiệp bất động sản phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhiều dự án nhà ở bị “đứng hình” và môi trường kinh doanh vẫn chưa thực sự đảm bảo tính minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh.

Dẫn số liệu từ Sở xây dựng TPHCM, HoREA cho biết, từ tháng 10/2015 đến hết năm 2018, TP.HCM có 126 dự án có quỹ đất hỗn hợp, 158 dự án liên quan đến đất công nằm trong diện rà soát, thậm chí có dự án nằm trong diện điều tra, khởi tố.

Cả năm 2019, chỉ có một dự án được chấp thuận đầu tư, giảm 12 dự án so với năm 2018; chỉ có 4 dự án được chấp thuận đầu tư, giảm 80% so với 2018… Đặc biệt không có dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư.

Nguồn cung bất động sản khan hiếm trong năm 2019. Ảnh: NCĐT tổng hợp
Nguồn cung bất động sản khan hiếm trong năm 2019. Ảnh: NCĐT tổng hợp

Những con số này cho thấy quy mô thị trường bất động sản cả nước sụt giảm, bất hợp lý trong cơ cấu sản phẩm bất động sản. “Thị trường bất động sản Việt Nam đang sụt giảm do độ trễ, và sẽ còn sụt giảm trong vòng vài năm tới”, ông Châu nhấn mạnh.

Nguồn cung khan hiếm khiến giá nhà đất tăng cao. Theo nghiên cứu của công ty DKRA, trong vòng 5 năm qua, giá nhà tại TP.HCM đã tăng 50 – 60%. Trong đó, riêng từ đầu năm 2019 tới nay, mức tăng giá cao hơn vì lượng cung hàng hóa giảm mạnh. Cụ thể, căn hộ chung cư tăng giá khoảng 15 - 20%. Cá biệt, có dự án nhà ở tại Q.9 (TP.HCM) có mức giá bán căn hộ tăng đến 39% so với năm 2018. Dự án “đóng băng” khiến hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều bị sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí một số doanh nghiệp bị thua lỗ hoặc đứng trước nguy cơ phá sản.

Đánh giá về sự sụt giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhìn nhận, tỷ lệ doanh nghiệp bất động sản ngừng hoạt động và giải thể gia tăng đã được dự đoán từ trước. Nguyên nhân là do những khó khăn trong vấn đề pháp lý, nguồn vốn mà các doanh nghiệp đang gặp phải. Việc rà soát pháp lý khiến tiến độ xây dựng các dự án đang chậm lại, nhiều dự án không thể triển khai được do vướng giấy phép dẫn đến công suất, sản lượng bị chậm lại, nguồn cung ra thị trường hạn chế. Trong khi đó, lãi suất ngân hàng tăng dẫn đến chi phí tài chính tăng, khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Dù vậy, ông Châu cho rằng thị trường bất động sản thành phố hiện nay nhìn tổng thể về bản chất không xấu, chưa có nguy cơ bị khủng hoảng. Tuy nhiên, do thị trường bất động sản có "độ trễ" nên nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay, thì tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, dẫn đến một số doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thể có nguy cơ phá sản.

Trong khi đó, ông  Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản EZ, lo ngại rằng thị trường bất động sản sẽ tiếp tục khó khăn trong thời gian tới. “Tôi cho rằng phải đến giữa hoặc cuối năm 2021, kinh tế phát triển ổn định, thị trường bất động sản sau thời gian trầm lắng sẽ “nở hoa”, ông Toản nhận định.

►Khó khăn, Novaland gửi đơn cầu cứu khẩn cấp Bộ trưởng Bộ Xây dựng

Đầu năm nhà đất bất động, môi giới được nghỉ Tết vô thời hạn

Thị trường bất động sản 2020: Hết thời lướt sóng?