Dự án cầu vượt biển dài nhất Việt Nam gặp khó
Ông Phạm Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Ban QLDA 2 (đại diện chủ đầu tư) cho biết, đến nay, giá trị sản lượng thi công của dự án đạt khoảng 9,7% tổng giá trị hợp đồng (740 tỷ đồng/7.632 tỷ đồng).
Trên công trường, Công ty Sumitomo Mitsui đã thi công khép kín toàn tuyến đường công vụ nội tuyến loại B, lắp đặt xong 3 km lớp ống Geo-tube phía quận Hải An và hoàn thành 100% công tác này ở phía huyện Cát Hải. Theo đánh giá của Ban QLDA 2, tính đến thời điểm này, Sumitomo Mitsui là nhà thầu đạt được sản lượng thi công lớn nhất trong liên danh với 543 tỷ đồng, vượt 2% so với dự kiến.
Tuy nhiên, vướng mắc phát sinh của dự án hiện đang nằm tại khu vực thi công phần đường dẫn phía quận Hải An và huyện Cát Hải. Hai nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (thi công phía quận Hải An) và CIENCO4 (phía huyện Cát Hải) đang gặp khó khăn trong công tác huy động, tập kết nguồn vật liệu cát sông để thi công phần chính tuyến trong khi thời gian còn lại không nhiều và khối lượng thực hiện rất lớn.
Cụ thể, theo kế hoạch ở phía quận Hải An, trước 30/4/2015, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn phải huy động và tập kết cát đắp trả với khối lượng 163 nghìn m3. Trong khi đó, yêu cầu đặt ra với CIENCO4 là trước 30/3/2015, tập kết và thi công đắp trả nền đường chính tuyến khoảng 50 nghìn m3 cát, hoàn thành toàn tuyến phía huyện Cát Hải trước 30/5/2015 với tổng khối lượng 293 nghìn m3.
Để đảm bảo tiến độ tổng thể chung của dự án, tại cuộc họp kiểm điểm mới đây, ông Hoàng Văn Đào, Phó Tổng giám đốc CIENCO4 đã đề xuất Bộ GTVT cho phép nhà thầu thử nghiệm nguồn cát có thành phần cấp phối thuộc nhóm A2 được khai thác tại các mỏ cát nằm ngoài biển như Hải Nam, Đình Vũ,… để thi công nền đường tuyến chính. “Đây là biện pháp tăng cường nguồn cát gần để đảm bảo tiến độ cho dự án. Nếu thí nghiệm thành công sẽ tiến hành triển khai tại nhiều công trình khác trong cả nước giúp các đơn vị chủ động được nguồn vật liệu, tiết giảm chi phí về giá thành sản phẩm và cước vận chuyển”, ông Đào cho biết.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công khẳng định, Bộ GTVT đồng ý về chủ trương để CIENCO4 triển khai thí nghiệm. Tuy nhiên, Thứ trưởng Công cũng lo ngại về độ ổn định của nền đường khi dùng cát biển, bởi những vật liệu có thành phần cấp phối nằm trong nhóm A2 được khai thác ngoài biển thường khó lu lèn, nền đường không đảm bảo độ chặt và chịu tác động của tải trọng động kém.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công yêu cầu, CIENCO4 khẩn trương xây dựng phương án vừa tiến hành triển khai thí nghiệm nhưng cũng phải có giải pháp dự phòng trong trường hợp thí nghiệm thất bại thì vẫn phải hoàn thành gói thầu đúng thời gian đã cam kết. Theo đó, chậm nhất ngày 28/3, CIENCO4 phải xây dựng xong phương án trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định nhằm đảm bảo tiến độ tổng thể cho dự án.
Nguồn Báo Giao Thông Vận Tải