Thứ Hai | 18/05/2015 13:00

DTZ thâu tóm Cushman & Wakefield với giá 2 tỷ USD

Dự kiến sau khi sáp nhập, tổng doanh thu của công ty mới sẽ lên tới 5 tỉ USD, rút ngắn khoảng cách với CBRE và Jones Lang Lasalle.

Bản đồ về thị phần tư vấn và cung cấp các dịch vụ bất động sản trong thời gian tới sẽ thay đổi khi mới đây, DTZ đã quyết định chi ra 2 tỉ USD để thâu tóm 75% cổ phần của đối thủ cạnh tranh Cushman & Wakefield. Đây được xem là một trong những thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) đình đám nhất trong nửa đầu năm 2015.

So với Cushman & Wakefield, DTZ dường như ít nổi tiếng hơn. Nhưng tập đoàn hơn 200 năm tuổi này lại có doanh thu năm 2014 lên tới 2,9 tỉ USD, cao hơn 800 triệu USD so với doanh thu của Cushman & Wakefield.

Nếu so với doanh thu của 2 tập đoàn tư vấn bất động sản lớn nhất thế giới là CBRE (9 tỉ USD) và Jones Lang Lasalle (5,4 tỉ USD) thì cả DTZ và Cushman & Wakefield đều kém xa. Vì thế, việc Cushman & Wakefield hợp nhất với DTZ sẽ có thể tạo ra năng lực cạnh tranh lớn hơn. Dự kiến sau khi sáp nhập, tổng doanh thu của công ty mới sẽ lên tới 5 tỉ USD, rút ngắn khoảng cách với đối thủ đứng thứ 2 là Jones Lang Lasalle.

Tuy là người đi thâu tóm trong thương vụ M&A này, nhưng sau khi hoàn tất sáp nhập, thương hiệu DTZ sẽ biến mất trong khi cái tên Cushman & Wakefield tiếp tục được giữ lại. Doanh nghiệp mới sẽ có hơn 43.000 nhân viên và hoạt động tại hơn 50 quốc gia trên toàn cầu. Nếu mọi chuyện tốt đẹp, thương vụ M&A này dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.

Thương vụ M&A của DTZ nhận được sự ủng hộ của quỹ đầu tư tư nhất nổi tiếng thế giới TPG, vốn cũng là cổ đông lớn của công ty này. Tại Việt Nam, tên tuổi của TPG cũng không hề xa lạ. Năm 2014, quỹ này đã bỏ ra 50 triệu USD để mua lại 49% cổ phần trong công ty nông nghiệp của Tập đoàn Masan. Trước đó, TPG từng bỏ vốn vào Tập đoàn FPT và thoái vốn ngay sau đó với lợi nhuận thu về không hề nhỏ.

Đối với Cushman & Wakefield, việc sáp nhập với DTZ dường như là điều khó tránh khỏi. Cushman & Wakefield gặp khó khăn khi cuộc khủng hoảng tài chính 2008 nổ ra và chỉ cải thiện dần từ lúc thị trường bất động sản phục hồi.

Trong quá khứ, DTZ đã có vài lần ra sức thâu tóm Cushman & Wakefield, nhưng không thành công. Cơ hội đã đến vào cuối năm ngoái khi Tập đoàn Đầu tư Exor, đơn vị đang chiếm cổ phần chi phối trong Cushman & Wakefield, tìm các đối tác khác để chuyển nhượng lại cổ phần.

Exor bắt đầu kiểm soát Cushman & Wakefield từ năm 2006 sau thương vụ mua lại 67,5% cổ phần trị giá 565,4 triệu USD và gia tăng dần tỉ lệ sở hữu sau đó. Việc thoát khỏi lĩnh vực bất động sản sẽ giúp Exor tập trung hơn vào các lĩnh vực khác.

Tại Việt Nam, việc gia tăng sức mạnh khi hợp nhất với DTZ có thể sẽ giúp Cushman & Wakefiled hoạt động hiệu quả hơn trong bối cảnh đã có quá nhiều công ty quốc tế tham gia vào thị trường này. Trên thực tế, thương hiệu Cushman & Wakefiled dường như vẫn chưa thể cạnh tranh sòng phẳng với các tên tuổi khác như CBRE hay Savills.

Sơn Thanh