zadn.vn
Dồn dập đầu tư khách sạn
Ông Olivier Chavy, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Tập đoàn Mövenpick, cho biết, Ban Giám đốc Mövenpick vừa đích thân kiểm tra tiến độ các dự án đang triển khai tại Việt Nam. Mövenpick đang rất nóng lòng với kế hoạch quản lý thêm 5 khách sạn tại Hà Nội, Đà Nẵng, Cam Ranh và Phú Quốc hiện đã hoàn tất khâu đàm phán, để đến năm 2019 Mövenpick chính thức đảm nhiệm. Sở dĩ Mövenpick muốn nhanh chóng hoàn tất mọi chuẩn bị vì nhiều đối thủ khác cũng đang đẩy nhanh tốc độ xây dựng các khách sạn mới.
Tâm điểm của thị trường bất động sản
Việt Nam trở thành tâm điểm của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ những năm 2000, lượng vốn đăng ký đạt đỉnh điểm vào năm 2008, lên tới gần 70 tỉ USD. Đầu tư nước ngoài vào bất động sản tăng nhanh những năm gần đây, chất lượng nguồn vốn được cải thiện đáng kể, tập trung cho đầu tư sơ cấp (những dự án mới). Theo số liệu của Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 9 tháng đầu năm 2017, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đã đạt mức kỷ lục, lên tới 25,48 tỉ USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó lĩnh vực bất động sản với 34 dự án cấp mới, đạt tổng vốn 1 tỉ USD. Trong lĩnh vực địa ốc, bất động sản du lịch đang trở thành một ngôi sao mới. Như kế hoạch của Mövenpick là quản lý 10 khách sạn tại Việt Nam với thương hiệu duy nhất Mövenpick. Tại châu Á, Mövenpick đặt mục tiêu đưa danh mục khách sạn lên con số 27 vào năm 2020.
Năm 2016, Việt Nam đã cán mốc 10 triệu lượt khách quốc tế và 62 triệu lượt khách trong nước. Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam, cho đây là “nội lực” để phát triển các dự án bất động sản khách sạn trong những năm tới. Với cơ chế thông thoáng được tạo ra bởi Luật Du lịch 2017, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón ít nhất 13 triệu lượt khách quốc tế, đạt tốc độ tăng trưởng 30%.
Theo Savills, khách quốc tế đến TP.HCM tăng mạnh trong 9 tháng đạt 4,2 triệu khách, tăng 16% so với năm ngoái và chiếm 44% tổng số khách quốc tế và trong nước. Phân khúc khách sạn 4 sao và 5 sao cải thiện đáng kể giúp công suất phòng trung bình đạt 66%, tăng 1 điểm phần trăm theo quý và theo năm. Giá phòng trung bình 76 USD/đêm, ổn định theo quý nhưng giảm 5% theo năm.
Theo quan sát của Savill Việt Nam, nhu cầu cho các khách sạn có chất lượng dịch vụ tốt với đội ngũ quản lý giàu kinh nghiệm ngày càng tăng. Điều này không chỉ đến từ tăng trưởng khách du lịch quốc tế mà còn từ sự phát triển và phân hóa của thị trường nội địa khi thu nhập của người Việt ngày càng tăng, nhu cầu nghỉ dưỡng cũng từ đó phát triển. Các yếu tố này giúp cho các dòng khách sạn với thương hiệu quốc tế ngày càng được quan tâm và phát triển.
Theo Hiệp hội Du lịch TP.HCM, số lượng tối đa khách du lịch hội nghị mà ngành du lịch thành phố có thể phục vụ mỗi lần chỉ là 800 người, trong khi đó, có những đoàn khách đến 3.000 người mỗi lần. Hầu như chưa một khách sạn nào có hội trường đáp ứng được yêu cầu tổ chức hội nghị thu hút khoảng 5.000 khách. TP.HCM dự kiến sẽ đầu tư một trung tâm hội nghị với quy mô 10ha tại khu vực Thủ Thiêm, để đủ sức phục vụ nhu cầu của các đoàn du lịch hội nghị có quy mô lớn. Trong khi đó, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết Hà Nội đã quy hoạch một số địa điểm để xây dựng khách sạn cao cấp đáp ứng nhu cầu phát triển của du lịch và dự kiến từ nay đến năm 2020 Hà Nội sẽ có thêm 4-5 khách sạn 5 sao để phục vụ nhu cầu lưu trú của du khách.
Mới đây, InterContinental Hotels Group (IHG) đã đánh dấu bước phát triển trong kinh doanh tại thị trường Việt Nam bằng việc khai trương InterContinental Hanoi Landmark72. Bà Leanne Harwood, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc của IHG, cho biết: “Sự kiện khai trương InterContinental Hanoi Landmark72 là dấu mốc đối với Tập đoàn IHG và thương hiệu InterContinental: lần đầu tiên khách hàng được trải nghiệm dịch vụ tại khách sạn có vị trí cao nhất Việt Nam. Bên cạnh đó, việc khai trương khách sạn InterContinental thứ 2 tại Hà Nội sẽ góp phần khẳng định và nâng cao vị thế điểm đến du lịch MICE của Thủ đô”.
Một tập đoàn khách sạn khác là Hilton cũng đặt mục tiêu có gấp 10 lần số khách sạn đang hoạt động tại Việt Nam trong 5 năm tới. Đây là thông tin do ông Guy Phillips, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách Phát triển khu vực châu Á - Thái Bình Dương Tập đoàn Hilton, công bố. Tập đoàn này hiện có 4 dự án khách sạn khác đang triển khai ở Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hạ Long. Loạt dự án này dự kiến sẽ tham gia thị trường khách sạn từ năm 2018-2020. Hilton đặt mục tiêu vận hành 20-30 khách sạn tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới. Theo ông Guy Phillips, thị trường TP.HCM sẽ có thêm 2.500 phòng tham gia trong vòng 3 năm tới. Trong khi đó, một số điểm du lịch trọng điểm khác cũng đang thiếu khách sạn cao cấp.
Phát triển danh mục đầu tư lên 10 khách sạn vào năm 2022, Mövenpick Hotels & Resorts tin rằng điều này là nền tảng để trở thành một trong những tập đoàn khách sạn quốc tế. “Chúng tôi đã khảo sát thêm các địa điểm mới như Phan Thiết, Hạ Long, Vân Đồn, Long Hải và gặp gỡ các chủ đầu tư, bàn thảo về cơ hội đầu tư không chỉ ở các địa điểm này mà còn thêm một số điểm khác nữa”, ông Olivier Chavy cho biết.
Tầm nhìn dài hạn trong chu kỳ ngắn
Theo đánh giá của Savills Việt Nam, phân khúc khách sạn 5 sao tại Hà Nội đang hoạt động tốt nhất cả nước, vượt cả Đà Nẵng và TP.HCM, với mức tăng tới 10% so với năm ngoái. Giá phòng bình quân thậm chí còn tăng tới 41%. Savills dự báo, trong năm nay, hơn 900 phòng khách sạn tại Hà Nội sẽ đi vào hoạt động.
Trao đổi với NCĐT, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương cho rằng, việc gia tăng lượng khách du lịch trong và ngoài nước cùng sự chuyển dịch và phát triển của các phân khúc khách du lịch có nhu cầu cao hơn là động lực thúc đẩy các nhà đầu tư đến với dòng khách sạn cao cấp với các thương hiệu quốc tế. Điều này là hoàn toàn phù hợp về mặt cung - cầu của thị trường. “Tuy nhiên, việc đầu tư vào mảng bất động sản khách sạn, đặc biệt là phân khúc cao cấp, cần được cân nhắc cẩn thận và có kế hoạch, tầm nhìn dài hạn, tránh dẫn thị trường tới tình trạng mất cân bằng”, ông Khương khuyến cáo.
Trên thực tế, thị trường bất động sản có vai trò quan trọng trong sự vận hành của các nền kinh tế, đặc biệt quan trọng hơn với Việt Nam, một quốc gia có thị trường tài sản tài chính chưa phát triển. Do đó, sự biến động của thị trường bất động sản có thể tác động mạnh đến các biến số vĩ mô. Từ khủng hoảng kinh tế 2008-2009 tại Mỹ cho đến những vấn đề của hệ thống ngân hàng Việt Nam kéo dài từ thời điểm đó đến nay, đều có nguyên nhân từ sự suy thoái của thị trường bất động sản.
Diễn biến của thị trường bất động sản dường như vẫn là ẩn số với các công cụ giám sát vĩ mô, nhất là yếu tố chu kỳ. Các nghiên cứu của Savills cho thấy, thị trường bất động sản Việt Nam diễn biến theo chu kỳ khá ổn định từ giai đoạn đầu thập niên 1990 đến nay, nhưng chu kỳ rất ngắn, chỉ khoảng 7 năm. Trong khi đó, chu kỳ của các nền kinh tế phát triển thường tương đối dài, ví dụ ở Mỹ là 18 năm. Nguyên nhân thực sự đằng sau hiện tượng này vẫn chưa được làm rõ một cách thấu đáo. Nhưng rõ ràng một chu kỳ bất động sản ngắn là điều không tốt cho ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn cản những quyết định đầu tư dài hạn của doanh nghiệp.
Hải Vân