Doanh nghiệp qua thời muốn chuyển đổi dự án sang nhà xã hội
60 dự án đăng ký chuyển đổi
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến hết quý I/2014, trên địa bàn cả nước đã có 60 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 38.897 căn Trong đó, UBND TP. Hà Nội đã tiến hành xem xét, thẩm định 18 dự án chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, với tổng số căn hộ dự kiến chuyển đổi khoảng 4.990 căn thành 11.292 căn, đã chấp thuận chủ trương cho phép chuyển đổi 9 dự án, 6 dự án đang tiếp tục xem xét, 3 dự án không đủ điều kiện. Đến nay, Thành phố đã ban hành 4 quyết định cho phép chuyển đổi nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội (cụ thể gồm: Dự án 143 Trần Phú - Hà Đông; Dự án AZ Thăng Long - Hoài Đức; Dự án 30 Phạm Văn Đồng - Cầu Giấy; Dự án Đặng Xá 2 - Gia Lâm).
UBND TP. HCM đã xem xét, thẩm định 11 dự án chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô số lượng căn hộ dự kiến chuyển đổi khoảng 4.693 căn thành 9.153 căn, tăng 4.460 căn, đã ban hành 06 quyết định cho phép chuyển đổi (gồm: Dự án Thảo Điền, Dự án Hưng Điền, Dự án chung cư Hoàng Quân, Dự án 584 Tân Phú, Dự án Thới An, Dự án P.15- Q. Tân Bình).
Ngoài ra, trên địa bàn cả nước hiện có 74 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ, với số lượng căn hộ ban đầu là 33.867, xin điều chỉnh thành 44.881 căn hộ (tăng 11.014 căn), trong đó: UBND TP. Hà Nội đã tiến hành xem xét, thẩm định 45 dự án điều chỉnh cơ cấu căn hộ; số lượng căn hộ thương mại điều chỉnh từ 20.656 căn hộ thành 28.312 căn hộ (tăng 7.656 căn). Đến nay, đã chấp thuận chủ trương cho phép điều chỉnh 33 dự án, trong đó 7 dự án đã có quyết định cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ. UBND TP. HCM có 21 dự án xin đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ (trong đó có 1 dự án xin chuyển sang thành bệnh viện), với số lượng căn hộ thương mại điều chỉnh từ 10.242 căn thành 13.600 căn (tăng 3.358 căn). Đến nay, đã có quyết định cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ cho 5 dự án.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, trong thời gian vừa qua, chính quyền các địa phương mới bước đầu quan tâm đến công tác điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại và chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ theo quy định tại Nghị quyết số 02/NQ-CP. Số lượng các dự án đã đăng ký xin chuyển đổi hoặc điều chỉnh căn hộ nhưng đến nay chưa có quyết định chuyển đổi, điều chỉnh của UBND cấp tỉnh vẫn còn tương đối nhiều, đặc biệt là tại một số thành phố lớn, như Hà Nội, TP. HCM...
4/9 dự án có quyết định
Trao đổi với ĐTCK đầu tuần này, ông Bùi Viết Sơn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long cho biết, Theo đề nghị của doanh nghiệp từ giữa năm 2013, UBND TP. Hà Nội vừa ra quyết định cho phép chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội cho Dự án Tổ hợp nhà ở thương mại dịch vụ chung cư AZ Thăng Long vào tháng 1/2014. Đây là dự án thứ 3 trên địa bàn Hà Nội được nhận quyết định này sau gần 1 năm triển khai.
Tuy nhiên, khi trao đổi với ĐTCK, ông Đạm cho biết, qua tiếp nhận và xem xét hồ sơ cho thấy, các dự án trên đa phần còn thiếu nhiều hồ sơ liên quan đến việc chuyển đổi, cần phải được bổ sung. Tuy Thông tư 02 không yêu cầu phải phê duyệt lại quy hoạch 1/500 nếu dự án xin chuyển đổi không làm tăng diện tích xây dựng, nhưng vẫn yêu cầu phải "bảo đảm đúng tiêu chuẩn thiết kế nhà ở xã hội".
"Theo đó, việc tăng số lượng căn hộ sẽ làm tăng nhu cầu về hạ tầng kỹ thuật của dự án như cấp điện, cấp thoát nước, phòng cháy chữa cháy; hay như các hạ tầng xã hội khác, gồm dịch vụ y tế, nhà trẻ, nơi sinh hoạt công cộng… cũng phải được điều chỉnh theo tiêu chuẩn này", ông Đạm nói và cho rằng, đến thời điểm này, khi thị trường bất động sản đang có tín hiệu phục hồi thì nhiều doanh nghiệp cũng tạm dừng việc xin chuyển đổi để nghe ngóng.
Một mục tiêu cũng được các chủ đầu tư xác định rõ ràng trước khi xin chuyển đổi dự án là để được tiếp cận gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng của Chính phủ. Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư 07/2013 do Bộ Xây dựng ban hành đã nêu rõ những điều kiện để doanh nghiệp được vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng là "đã có đất sạch và giấy phép xây dựng, trừ trường hợp được miễn giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về giấy phép xây dựng".
Một cán bộ của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng xác nhận, nhà ở xã hội là công trình không thuộc diện được miễn giấy phép xây dựng. Đây chính là 2 rào cản đối với nhiều dự án xin chuyển đổi, bởi việc giải phóng mặt bằng nói chung rất khó khăn.
Nguồn Đầu tư Chứng khoán