Thứ Ba | 11/06/2013 15:12

Doanh nghiệp không được vay quá 9.000 tỷ đồng từ gói hỗ trợ bất động sản

Theo đại diện NHNN, đây là gói tín dụng có ưu đãi về lãi suất. Vì vậy, phải đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Tại buổi đối thoại trực tuyến về gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều nay (11/6), Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, trước hết, giải pháp khắc phục khó khăn thị trường bất động sản chủ yếu là hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp thực tiễn là chính, chứ không dùng nguồn tiền, vì không đủ nguồn lực.

Về gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, việc dùng khoảng 30% để tạo nguồn cung thông qua cho chủ đầu tư vay để tạo nguồn hàng hóa là các dự án nhà ở xã hội vốn đã, đang thực hiện, nếu thiếu thì bổ sung thêm nguồn tiền cho doanh nghiệp vay trong thời hạn thích hợp, lãi suất thấp để tạo nguồn cung. Mặt khác, dùng phần lớn nguồn lực gói 30.000 tỷ đồng để cho người dân vay thời hạn 10 năm hưởng lãi suất thấp 6% hoặc thấp hơn nếu có điều chỉnh.

Ông cũng cho rằng, ngoài tác động trực tiếp tới nguồn cung và cầu của thị trường thì gói hỗ trợ còn có tác dụng mồi bởi nhiều ngân hàng sẽ kết hợp cho vay thêm với lãi suất tuy cao hơn nhưng vẫn ở mức chấp nhận được.

Trước lo ngại doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và được hưởng lợi nhiều hơn từ gói hỗ trợ này, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Vụ trưởng Vụ Tín dụng Nguyễn Viết Mạnh khẳng định, sẽ không có chuyện doanh nghiệp được vay quá nhiều, vượt quá con số 9.000 tỷ đồng.

Theo ông Mạnh, đây là một chương trình tín dụng có ưu đãi về lãi suất vì vậy việc đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng là phải rõ. Cụ thể là công khai, minh bạch về thủ tục được quy định tại Thông tư của NHNN và Bộ Xây dựng. Thông tư này quy định rất rõ về đối tượng, điều kiện thuê, thuê mua nhà được tiếp cận nguồn vốn này.

Thứ hai là quy định rõ trách nhiệm của khách hàng, ngân hàng khi triển khai gói tín dụng này, cơ chế và chế tài xử lý khi vi phạm quy định này. Thứ ba là quy định về công tác thanh tra, kiểm soát của ngân hàng và các cơ quan quản lý nhà nước.

"Các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải vào cuộc, cùng với sự kiểm soát của cả hệ thống chính trị và của người dân. Tôi cho rằng như vậy kiểm soát sẽ hiệu quả", ông Mạnh nói.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện