Doanh nghiệp 'không đợi' nổi gói 50.000 tỉ đồng
"Cách đây khoảng hơn chục ngày, bên Ngân hàng Xây dựng và Công ty Thiên Thanh có đưa cho tôi một bản hợp đồng ký 3 bên, và tôi đã ký nhưng sau đó không có một thông tin hay phản hồi nào nữa" - ông Đực nói với Một Thế Giới.
Theo ông Đực, hiện nay Công ty địa ốc Đất Lành có một dự án tại Gò Vấp đang xây dựng dở dang, thi công đã 5 tháng và đang cần một nguồn tài chính để tiếp tục xây dựng. Dự án này dự kiến sẽ cung ứng sản phẩm trên 60m2/căn hộ, giá bán thấp, nhưng vì tiến độ thi công chậm, thậm chí phải ngưng nên sản phẩm không bán được.
Với đồng vốn ít ỏi, đầu tư dàn trải, nhiều dự án... nên buộc lòng Công ty Đất Lành phải bán trọn gói một vài dự án cho doanh nghiệp khác, chấp nhận hòa vốn để còn có nguồn xoay xở.
"Mặc dù chúng tôi đã ký kết hợp tác 3 bên với Ngân hàng Xây dựng và Tập đoàn Thiên Thanh nhưng giờ cũng phải chịu, tôi không đủ can đảm thể đợi thêm được. Nếu gói 50.000 tỉ đồng thực hiện nhanh chóng và tích cực hơn thì tôi sẽ phải đắn đo giữa việc vay từ gói này và tự kinh doanh.
Nhưng hiện giờ gói này chậm quá, mà vay ngân hàng thì các thủ tục rườm rà, càng kéo dài thì doanh nghiệp càng khó khăn, dự án càng đình trệ, ảnh hưởng đến thương hiệu rất nhiều, cho nên tôi quyết định bán. Mặt khác, dù ký nhưng nhiều vấn đề trong hợp đồng vẫn chưa rõ ràng, mới chỉ mang tính định hướng, chẳng hạn như cho vay bao nhiêu, thời gian vay như thế nào, lãi suất ra sao...", ông Đực nói.
Trong khi đó, trao đổi với Một Thế Giới, bà Thanh Hương - đại diện truyền thông Ngân hàng Xây dựng (đơn vị chủ trì triển khai gói 50.000 tỉ đồng) khẳng định gói 50.000 tỉ đồng vẫn đang được triển khai tích cực và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6.2014.
"Một trong hai chương trình chủ đạo gói 50.000 tỉ đồng là Xây nhà trả chậm và hướng tới đối tượng khách hàng cá nhân. Ngày 17.5 vừa rồi chúng tôi đã tiến hành ký kết với một số đối tác chương trình Xây nhà trả chậm, và sẽ bắt đầu triển khai từ tháng 6.2014. Đối với trường hợp của Công ty địa ốc Đất Lành, tôi sẽ tiến hành kiểm tra và sẽ có thông tin phản hồi lại" - bà Hương cho biết.
Trước đó, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam đã phối hợp với Tập đoàn Thiên Thanh giới thiệu gói tín dụng hỗ trợ phát triển thị trường bất động sản trị giá 50.000 tỉ đồng. Có 9 ngân hàng khác cũng góp vốn vào gói tín dụng này, gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank, Sacombank, ACB, MD Bank, LienVietPostBank và Oceanbank.
Trong khi đó Tập đoàn Thiên Thanh hướng tới là nhà tổ chức cung ứng vật liệu xây dựng, chủ trì xây dựng sàn kinh doanh vật liệu xây dựng đầu tiên trên cả nước, nhằm kích cầu sản xuất ngành xây dựng, là cơ sở để tín dụng và các công cụ tài chính được sử dụng tối ưu.
Cùng với gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng đang giải ngân, gói tín dụng 50.000 tỉ đồng cũng được kỳ vọng sẽ là giải pháp hữu hiệu giúp khơi thông hàng hóa, kích cầu sản xuất ngành xây dựng, thị trường bất động sản, tuy nhiên cho đến nay kế hoạch triển khai gói này vẫn còn "im ắng".
Nguồn Một thế giới