Thứ Tư | 26/09/2012 17:03

Doanh nghiệp bất động sản tự tìm cách kích cầu

Trong khi các chính sách hỗ trợ chưa có gì đáng kể, các doanh nghiệp bất động sản vẫn tiếp tục tung ra những chiêu kích cầu nhằm tăng thanh khoản.
Ngoại trừ một đề xuất “chưa chính thức” mới đây của Bộ Xây dựng về việc giảm 50% thuế VAT cho người mua nhà để ở nhằm cải thiện sức mua trên thị trường bất động sản, trong gần 1 quý qua, các chính sách có tác động trực tiếp tới thị trường bất động sản vẫn gần như án binh bất động.

Các doanh nghiệp đã tự đưa ra những chính sách để tự cứu mình. Phương thức mà các doanh nghiệp bất động sản sử dụng phổ biến nhất là "mua nhà có hỗ trợ lãi suất".

Trong thỏa thuận này, khách hàng là người được lợi, ngân hàng cho vay được, còn chủ đầu tư chính là người phải chịu thiệt. Tất nhiên, đổi lại dự án có thể sẽ bán chạy hơn, vốn quay vòng nhanh hơn và rốt cục chưa hẳn họ đã thiệt.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn đưa ra phương hướng kích cầu đơn giản nhất chính là giảm giá trực tiếp căn hộ.

Chẳng hạn như dự án VP3 Linh Đàm của Công ty Xây dựng số 1 Lai Châu, đã công bố giảm giá 2 lần, từ 31 triệu đồng/m² còn 22 triệu đồng/m².

Công ty Đại Tín Á Châu và An Bình Land đã hạ giá 120 căn hộ Hoàng Anh River View từ 1.350 USD (28 triệu đồng/m²) xuống còn 18,1 triệu đồng/m², giảm khoảng 30% so với năm 2009.

Một dự án khác là Carina Plaza (Đại lộ Võ Văn Kiệt, quận 8) cũng được giảm từ 15,5 triệu đồng xuống còn 13,2 triệu đồng/m² đối với 150 căn hộ.

Hàng loạt các dự án khác của HUD, Biconsi, Đại Nam, Mỹ Phước 3, nhà phố Gò Dầu, New Sai Gon, Belleza, Sealinks, Everrich, Carillon… cũng được Công ty Sacomreal - đại diện bán hàng công bố giảm giá bán từ 5 - 20%.

Trong khi đó, tại hội nghị tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển nhà ở do Sở Xây dựng Tp HCM tổ chức ngày 25/9, cơ quan này cho rằng một trong những giải pháp để cứu thị trường có thể xem xét là chia nhỏ diện tích căn hộ từ 80 - 100 m2 xuống còn 45 - 55 m2 để giá bán phù hợp với thu nhập và nhu cầu của người dân.

Nguồn Vneconomy


Sự kiện