Thứ Tư | 31/10/2012 19:06

Doanh nghiệp bất động sản ngoại cũng gặp khó

Được cho là có nhiều kinh nghiệm và sức mạnh tài chính nhưng các nhà đầu tư ngoại cũng lao đao bởi cuộc khủng hoảng bất động sản Việt Nam.
Tình trạng triển khai dở dang hoặc chưa biết bao giờ mới khởi công diễn ra phổ biến ở các dự án ngoại như Khu Đô thị Đại học Quốc tế và Trung tâm Tài chính Quốc tế (TPHCM) của Tập đoàn Berjaya với tổng vốn đăng ký của 2 dự án lên đến 4,5 tỷ USD.

Ngoài lý do thiếu vốn, hầu hết các chủ đầu tư này đều biện minh cho tình trạng dở dang của các dự án là do thị trường bất động sản rất khó khăn nên có xây cũng không bán được.

Ở một phía khác, Công ty An Khánh (liên doanh giữa Posco E&C của Hàn Quốc và Vinaconex), đã bán được gần 1.500 biệt thự và nhà liền kề và khoảng gần 300 căn hộ thuộc dự án Splendora (Hà Nội). Nhưng suốt 1 tháng qua, khách hàng liên tục yêu cầu phải giãn tiến độ đóng tiền và giảm giá bán vì giá bất động sản ở Hà Nội hiện đã giảm từ 30-40% so với 1 năm trước.

Ngoài ra, các dự án ngoại còn phải đối mặt với tình trạng khách hàng tháo chạy sau khi đã ký hợp đồng. Theo báo cáo cập nhật của Quỹ Vinaland do Vina Capital quản lý, trong 8 tháng đầu năm, các dự án của quỹ này gồm Khu Đô thị Đại Phước (Đồng Nai), Khu Đô thị Mỹ Gia (Nha Trang), khu biệt thự thuộc Danang Beach Resort và Khu căn hộ Azura (Đà Nẵng) chỉ bán được tổng cộng có 58 căn.

Tuy nhiên, sau khi trừ đi số khách hàng bỏ cuộc, tổng số bán được chỉ có 13 căn. Vinaland cho biết sẽ không đầu tư thêm dự án mới mà chỉ tập trung thực hiện cho xong hoặc thoái vốn khỏi các dự án hiện hữu.

Còn dự án Parkcity của Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Quốc tế (Liên doanh giữa Vinaconex Hoàng Thành và Perdana Parkcity của Malaysia) thì mới xây xong phần móng các biệt thự mà không thấy dấu hiệu của việc tiếp tục xây dựng.

Có thông tin cho rằng, phía nước ngoài không đủ tiền để triển khai tiếp dự án. Cũng có nguồn tin cho rằng phía Việt Nam và nước ngoài bất đồng về việc xử lý sự cố lún nền sau khi mới xây phần móng, muốn khắc phục thì sẽ mất thêm hàng trăm tỷ đồng.

Thị trường bất động sản đóng băng, việc huy động vốn từ khách hàng cũng như vay vốn từ ngân hàng đều khó khăn trong khi đối tác nước ngoài không đầu tư đủ vốn nên dự án nằm bất động.

Điển hình là dự án Halong Star của Tập đoàn Limitless (Vương quốc Ả Rập Saudi) mới chỉ giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng nhưng đã phải ký hợp đồng vay vốn với ngân hàng Việt Nam là Ngân hàng Phát triển Nhà TPHCM. Mặc dù vậy, tiến độ triển khai của Halong Star vẫn rất chậm, vì chủ đầu tư cũng như ngân hàng khó đầu tư mạnh vốn cho dự án trước tình hình ảm đạm của thị trường.

Nguồn NCĐT


Sự kiện