Điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án
Đối với các dự án được phê duyệt trước ngày Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ có hiệu lực thì việc điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án thực hiện theo hướng dẫn tại mục 1, 2 và 3 của văn bản số 900/BXD-KTXD ngày 1/6/2012 của Bộ Xây dựng.
Đối với các dự án được phê duyệt kể từ ngày Nghị định số 83/2009/NĐ-CP có hiệu lực: Rà soát các nội dung đầu tư, cắt giảm các chi phí, hạng mục không thật cần thiết trên nguyên tắc vẫn bảo đảm mục tiêu chủ yếu của dự án, hiệu quả đầu tư hoặc nghiên cứu thay thế vật tư, thiết bị nhập khẩu bằng vật tư, thiết bị sản xuất trong nước.
Đối với những vật tư, thiết bị bắt buộc phải nhập khẩu nghiên cứu xem xét thay đổi nguồn gốc, xuất xứ (nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án).
Sau khi áp dụng các giải pháp cắt giảm, nếu dự án vẫn phải điều chỉnh tổng mức đầu tư từ các nguyên nhân do biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu; chính sách tiền lương và chi phí giải phóng mặt bằng; trên cơ sở sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện các dự án, người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét, quyết định:
Đối với các dự án đang triển khai dở dang, sắp hoàn thành hoặc dự án cần phải đầu tư (không thể dừng) thì người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét, quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư do các nguyên nhân nêu trên.
Các dự án chưa thực sự cần thiết hoặc không hiệu quả thì dừng triển khai để tập trung vốn cho các dự án cấp bách và hiệu quả cao hơn.
Phần chi phí bổ sung trong tổng mức đầu tư phải tổ chức thẩm tra, thẩm định trước khi phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh.
Các địa phương tự cân đối, điều chuyển trong nội bộ các nguồn vốn hoặc huy động các nguồn vốn khác để thực hiện đối với phần điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư để triển khai thực hiện các dự án, bảo đảm hiệu quả dự án đầu tư xây dựng công trình.
Nguồn Thời báo Ngân hàng