Điều chỉnh lộ trình các tuyến đường trên cao ở TPHCM
Theo đề xuất của TEDI SOUTH, đến năm 2020, xe buýt đảm nhận khoảng 13% - 16% (chưa tính xe buýt nhanh BRT), vận tải công cộng khối lượng lớn đảm nhận từ 5% - 7%, vận tải hành khách bằng taxi đảm nhận khoảng 2% nhu cầu đi lại.
Đối với đường trên cao, lộ trình tuyến đường trên cao số 1 được đề xuất điều chỉnh bắt đầu từ nút giao Cộng Hòa - Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long - Phan Xích Long (nối dài) - Ngô Tất Tố (nối dài) với chiều dài 9,8 km.
Như vậy, tuyến này không đi dọc theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè như quy hoạch trước kia. Cũng vì hướng tuyến đường trên cao số 1 bị thay đổi nên tuyến đường trên cao số 2 sẽ giao cắt với tuyến số 1 tại nút giao Lăng Cha Cả, thay vì tại cầu số 5 trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè như trước đây.
Tương tự, tuyến đường trên cao số 4 cũng sẽ không giao cắt với tuyến đường trên cao số 1 tại khu vực rạch Thị Nghè mà giao cắt tại nút giao Phan Xích Long nối dài - Điện Biên Phủ. Ngoài các tuyến đường trên cao theo Quy hoạch 101, TEDI SOUTH đề xuất xây dựng thêm tuyến đường trên cao số 5, tuyến này bắt đầu từ nút giao thông ngã tư trạm 2, chạy dọc theo đường Vành Đai 2 (Quốc lộ 1), giao với tuyến số 4 tại đường Vườn Lài và kết thúc tại nút giao An Lạc, dài khoảng 34 km.
TEDI SOUTH cũng đề xuất xây dựng 6 tuyến xe buýt nhanh BRT (tuyến số 1 đi dọc đường Võ Văn Kiệt đã có trong quy hoạch của TP từ trước), bổ sung 23 nút giao khác mức, trong đó Vành Đai 2 thêm 1 nút giao, Vành Đai 4 thêm 17 nút giao và cao tốc Bến Lức - Long Thành 5 nút giao. Đơn vị này còn đề xuất xây thêm 3 cây cầu vượt sông Sài Gòn gồm: cầu Bình Quới - Thủ Đức 1 (nối Thanh Đa - Tân Sơn Nhất - Bình Lợi), cầu Bình Quới - Thủ Đức 2 (nối Thanh Đa với Thảo Điền) và cầu Bình Quới - Thủ Đức 3 (nối Thanh Đa với xa lộ Hà Nội).
Bộ Giao thông Vận tải cho biết sau khi lấy ý kiến TPHCM hoàn chỉnh về những đề xuất thay đổi trên, bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lại quy hoạch giao thông TPHCM vào tháng 12/2012.
Nguồn NLĐ