Đi chợ dự án "đắp chiếu"
Càng về cuối năm, thị trường bất động sản TP.HCM càng chứng kiến những thương vụ chuyển nhượng có quy mô lớn, nhất là các tay chơi tiềm lực tài chính để phục vụ cho chiến lược phát triển dài hạn. Điển hình như CapitaLand mới đây chi ra đến 1.380 tỉ đồng thâu tóm một dự án có diện tích hơn 60.000m2 (quận 9), vốn bị đình trệ gần 5 năm nay. Trước đó không lâu, CapitaLand cũng chi ra 33 triệu USD thâu tóm một dự án căn hộ rộng 1,4ha đắp chiếu khá lâu tại mặt tiền đường Tôn Thất Thuyết, quận 4.
Thông qua 2 thương vụ thâu tóm mới, danh mục đầu tư của CapitaLand tại Việt Nam hiện lên tới con số 13, đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường kinh doanh quan trọng nhất của CapitaLand ở châu Á với tổng vốn đầu tư trị giá hàng tỉ USD.
Săn tìm các dự án đóng băng nhưng có tiềm năng tốt là đích nhắm của Bamboo Capital. Mới đây, tại phường Thảo Điền, quận 2, thành viên của Bamboo Capital là BCG Land chi ra hàng trăm tỉ đồng để thâu tóm lô đất rộng 9.100m2 từ tay của chủ đầu tư Hoàn Cầu. Sau khi nhận chuyển nhượng, dự kiến BCG Land sẽ bơm thêm hơn 1.000 tỉ đồng để phát triển khu căn hộ cao cấp cao 22 tầng ven sông Sài Gòn.
Săn tìm các dự án có vị trí đắc địa cũng là cách mà Novaland tiếp tục đẩy mạnh để mở rộng. Mới đây, nhà đầu tư này đã sở hữu thành công chung cư Cô Giang (quận 1) từ tay của chủ đầu tư cũ là Công ty Cổ phần Phát triển Đất Việt sau hơn 11 năm bị đình trệ. Dự án sau đó đã mang một cái tên mới khá “kiêu" Grand Manhattan.Ngay trên mặt tiền đường Điện Điện Phủ, khối cao ốc V-Ikon cao 30 tầng từng bị chỉ điểm làm xấu bộ mặt thành phố được Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) bán đấu giá thành công với số tiền thu về khoảng 301 tỉ đồng. Nhờ khối lượng thi công của V-Ikon đã đạt khoảng 70%, chủ đầu tư mới dự kiến chỉ cần đổ thêm vài trăm tỉ đồng cho công tác hoàn thiện là có thể đưa ngay dự án có vị trí khá đẹp này vào khai thác.
Có thể thấy tham vọng của các chủ đầu tư mới ngay sau M&A là đáng kể. Đối với Grand Manhattan, Novaland dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 căn hộ hạng sang với mức giá sơ bộ được công bố lên tới 150 triệu đồng/m2. Grand Manhattan cũng đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử, Novaland không đi một mình mà hợp lực cùng các đối tác phân phối khác là MLand và Tatiland để khai khác thêm nguồn khách tiềm năng trên cả nước.
Còn với lô đất mới thâu tóm từ tay của nữ tướng Tư Hường, Bamboo Capital đặt kế hoạch triển khai kinh doanh và xây dựng ngay trong năm nay. Tổng thầu cho dự án cũng là một thành viên của Tập đoàn là Tracodi.
Nhờ sự tham gia của chủ đầu tư mới là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Xuân Mai, dự án Eco Green rộng hơn 14ha tại quận 7 bắt đầu nhộn nhịp trở lại với công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật và mở bán. Tất nhiên, tốc độ bán hàng của dự án còn phải chờ thêm thời gian để kiểm chứng nhưng dù sao, việc một trong những dự án có quy mô nhất khu Nam như Eco Green hâm nóng trở lại được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến diện mạo thị trường nơi đây, đồng thời giúp một số chủ nợ có thể nhẹ nhõm với số tiền đã lỡ rót vào dự án trước đó.
Năm 2017, ngành có tỉ trọng giá trị M&A lớn nhất là sản xuất hàng tiêu dùng (57%), tiếp theo đó là ngành bất động sản (27%), tài chính - ngân hàng (4%), vật liệu hóa chất (3%). Trong 6 tháng đầu năm 2018, ngành bất động sản đã trở thành lĩnh vực dẫn đầu với tỉ lệ 66,75%, tiếp sau là tài chính - ngân hàng và sản xuất công nghiệp.
Nhìn vào bức tranh toàn cảnh thị trường M&A bất động sản Việt Nam, bà Khanh Nguyễn, Giám đốc Thị trường vốn tại Việt Nam của Công ty Tư vấn JLL Việt Nam, cho biết, Công ty kỳ vọng sự tăng trưởng liên tục thông qua tất cả các loại hình tài sản.“Chúng tôi kỳ vọng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục dành sự quan tâm và cam kết mạnh mẽ vào thị trường bất động sản đang phát triển ở Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài hiện tại và tiềm năng đang tích cực săn lùng các dự án sạch và pháp lý rõ ràng. Do sự tập trung mạnh mẽ vào Việt Nam từ các nhà đầu tư trong khu vực, kỳ vọng các hoạt động M&A sẽ xác lập mức kỷ lục mới trong năm 2018”, bà Khanh Nguyễn nhận định.