Thứ Tư | 18/06/2014 14:54

Đề xuất mở rộng đối tượng sở hữu nhà ở

Sáng 18-6, Quốc hội họp phiên toàn thể, thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Liên quan đến đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, nhiều ý kiến tán thành việc mở rộng như dự thảo Luật. ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) đề nghị bổ sung đối tượng là “dòng họ, tổ chức tôn giáo, cơ quan nhà nước” cũng được sở hữu nhà ở. Tán thành mở rộng quyền sở hữu nhà ở cho đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam, song ĐB đề nghị quy định chặt chẽ hơn, chẳng hạn như tỷ lệ được sở hữu nhà ở của người nước ngoài trong một khu vực, một chung cư cụ thể để đảm bảo kiểm soát về an ninh trật tự, quốc phòng an ninh.

ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) quan tâm đến quy định về thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở. ĐB đề nghị theo hướng thời điểm chuyển quyền sở hữu trong các trường hợp chuyển nhượng/ thừa kế/ tặng/ cho/… là thời điểm nhà ở được đăng ký tại cơ quan quản lý có thẩm quyền.

“Riêng hợp đồng giao dịch về nhà ở phải quy định cụ thể hơn, cụ thể là bổ sung thời điểm hiệu lực của hợp đồng. Loại phải công chứng, chứng thực thì tính từ thời điểm công chứng, chứng thực. Loại không bắt buộc công chứng, chứng thực thì tính từ thời điểm giao kết hợp đồng theo pháp luật dân sự. Có như vậy mới đảm bảo sự thống nhất với Luật Đất đai 2013 và Bộ Luật Dân sự”, ông Tấn góp ý.

Tuy nhiên, cũng về vấn đề này, ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) lại tán thành phương án do Chính phủ đề xuất, theo đó điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở được quy định theo 4 trường hợp, có trường hợp là kể từ khi bên mua, bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền mua, thuê mua nhà ở; có trường hợp kể từ khi bên nhận tặng cho, bên nhận đổi nhận bàn giao nhà ở; kể từ khi mở thừa kế theo pháp luật về thừa kế…

Theo ĐB, quy định cụ thể hơn sẽ giúp các chủ sở hữu thực hiện được đầy đủ các quyền của mình đối với nhà ở khi thực hiện xong giao dịch; đồng thời hạn chế được các rủi ro cho người nhận quyền sở hữu nhà ở khi chưa được Nhà nước công nhận quyền sở hữu nhà ở.

Quyền sở hữu loại nhà ở chung cư và việc cải tạo, xây dựng lại nhà ở chung cư đã hết hạn sử dụng cũng là vấn đề được nhiều ĐB quan tâm cho ý kiến. ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) yêu cầu ghi rõ trong Luật thời hạn sử dụng nhà ở chung cư phù hợp tuổi thọ công trình, khi hết hạn sử dụng ai là người có trách nhiệm di dời, xây lại để đảm bảo an toàn cho người dân.

Chia sẻ mối quan tâm này, ĐB Nguyễn Minh Quang (Hà Nội) cho biết, các dự án phá dỡ, cải tạo chung cư cũ hiện nay rất vướng mắc do không thể đạt được sự đồng thuận của tất cả các chủ sở hữu từng căn hộ trong chung cư. Vì thế, “cần xác định rõ khi chung cư hết hạn sử dụng, xuống cấp thì xử lý như thế nào, được bao nhiêu % chủ sở hữu căn hộ đồng thuận thì được tiến hành. Thậm chí phải có chế tài với những đối tượng cố tình cản trở để đảm bảo các chung cư xuống cấp phải được phá dỡ, tránh xảy ra sự cố đáng tiếc”.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) thì thẳng thắn nhận xét, do “ôm” vào quá nhiều vấn đề nên dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) còn quá rườm rà. “Chú ý rằng việc có nhà ở và sở hữu nhà ở là hoàn toàn khác nhau. Vấn đề sở hữu nhà ở thì không nên đưa vào đây mà để pháp luật dân sự quy định. Luật này chỉ nên tập trung vào chính sách phát triển nhà ở và quản lý nhà ở”.

Về các vấn đề cụ thể, ĐB Trần Du Lịch đặc biệt quan tâm đến loại hình nhà ở công vụ và nhà ở xã hội. Theo ông Trần Du Lịch, hai loại hình này cần được đầu tư bằng ngân sách nhà nước, “cân đối rõ ràng và không được bán”. Phải quy định rõ ràng trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng nhà công vụ, có chế tài xử lý khi cố tình không trả lại nhà công vụ. Với nhà xã hội, chỉ sử dụng để cho thuê không đặt vấn đề bán, nếu đã bán thì phải tính đúng, tính đủ theo giá thị trường. ĐB cho rằng cần có thêm các chính sách khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá rẻ.

Ông Trần Du Lịch cũng tán thành việc xây dựng Quỹ Phát triển nhà ở ở các địa phương và đề xuất dành toàn bộ tiền thu từ xổ số kiến thiết cho Quỹ này.

Nguồn Sài Gòn Giải Phóng


Sự kiện