Đề xuất 8.300 tỷ đồng xây cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu
Ban Quản lý dự án 85 (PMU 85) vừa trình Bộ GTVT xin phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cao tốc đoạn Biên Hòa-Vũng Tàu 4 làn xe hạn chế theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư dự kiến 8.313 tỷ đồng.
Theo ông Đỗ Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc PMU 85, mặc dù theo Quyết định số 1949/QĐ-BGTVT ngày 12/7/2010 của Bộ GTVT về việc phê duyệt đề xuất dự án là đường cao tốc có tốc độ thiết kế là 120 km/giờ. Tuy nhiên, xét thấy chiều dài tuyến không lớn (66 km) và lưu lượng xe tải, xe khách trên tuyến lớn nên PMU 85 và Tư vấn lập dự án đề xuất duy trì tốc độ thiết kế vào khoảng 100 km/giờ.
Cụ thể, PMU 85 đề xuất 4 phương án. Phương án 1: Xây dựng từ Biên Hòa-Quốc lộ 51 dài 46,8km, quy mô 4 làn xe hạn chế rộng 16,5m, vận tốc thiết kế 100km/giờ sẽ có tổng mức đầu tư gần 8.313 tỷ đồng. Thời gian hoàn vốn cùng lúc cho nhà đầu tư và ngân hàng là 27 năm 3 tháng hoặc hoàn vốn cho ngân hàng trước và nhà đầu tư sau rơi vào 28 năm 7 tháng.
Phương án 2: Xây dựng từ Biên Hòa-Quốc lộ 51 theo quy mô 4 làn xe hạn chế với nền đường rộng 16,5m có tổng mức đầu tư 7.918 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn đồng thời cho ngân hàng và nhà đầu tư trong khoảng 25 năm 9 tháng. Nếu hoàn vốn cho ngân hàng trước và nhà đầu tư sau sẽ là 26 năm 7 tháng.
Phương án 3: Xây dựng từ nút giao với đường cao tốc Long Thành-Dầu Giây đến Quốc lộ 51 sẽ có tổng mức đầu tư 5.053 tỷ đồng với quy mô 4 làn xe hạn chế, tổng chiều dài 30km, thiết kế vận tốc 100km/giờ. Thời gian hoàn vốn cho cả ngân hàng và nhà đầu tư là 21 năm 11 tháng, trường hợp hoàn vốn cho ngân hàng trước và nhà đầu tư sau là 22 năm 5 tháng.
Phương án 4: Xây dựng từ nút giao đường cao tốc Long Thành-Dầu Giây đến Quốc lộ 51 theo quy mô 4 làn xe hạn chế. Tổng mức đầu tư dự án là 4.797 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn dao động từ 20-21 năm.
Trên cơ sở lưu lượng dự đoán, có khả năng thu hút nhà đầu tư, vay vốn tín dụng ngân hàng, PMU 85 kiến nghị Bộ GTVT lựa chọn phương án 1.
Tuy nhiên, do dự án có tổng mức đầu tư lớn và thời gian hoàn vốn lâu, có thể ảnh hưởng đến sức hút với nhà đầu tư nên nếu được Bộ GTVT phê duyệt như đề xuất thì các công tác phê duyệt đề xuất đầu tư, hoàn tất bước thiết kế kỹ thuật, đấu thầu thi công, giải phóng mặt bằng trước tháng 12/2015 để thi công từ 1/2016 đến 12/2017 và đưa vào khai thác vào đầu năm 2018.
Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất cả nước và cũng là khu tập trung đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển (Cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải), cảng hàng không (Cảng hàng không quốc tế Long Thành).
Hiện tại, Quốc lộ 51 là Quốc lộ duy nhất nối TPHCM với Vũng Tàu. Qua số liệu điều tra, khảo sát và tính toán dự báo cho thấy, với quy mô của Quốc lộ 51 hiện tại thì đến năm 2020, đoạn Biên Hòa-Phú Mỹ sẽ có nguy cơ ùn tắc và hạn chế tốc độ lưu thông tại một số vị trí cục bộ. Đối với đoạn Phú Mỹ-Vũng Tàu, lưu lượng dự báo đến năm 2030 đạt khoảng 62.000 phương tiện/ngày đêm và lúc đó sẽ xuất hiện tình trạng giảm khả năng lưu thông của xe.
Do đó, đến năm 2020 cần phải xây dựng xong tuyến cao tốc Biên Hòa-Phú Mỹ với quy mô tối thiểu 4 làn xe và sau năm 2030 cần mở rộng tuyến này thành 6 làn xe cùng với đoạn Phú Mỹ-Vũng Tàu xây dựng quy mô 4 làn xe.
Nguồn Chinhphu.vn