Quận 2, TP.HCM. Ảnh: Quý Hòa

 
Nguyễn Sơn Thứ Hai | 14/05/2018 15:30

Dấu ấn dòng vốn FDI trên thị trường bất động sản TP.HCM

30 năm kể từ xây dựng biểu tượng cho sự năng động của TP như Newworld, Dimond Plaza,.. các nhà đầu tư ngoại một lần nữa tạo nên những biểu tượng khác

Theo Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ trong bốn tháng đầu năm 2018 đã có 883 dự án mới đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 3,55 tỉ USD. Trong đó, lĩnh vực hoạt động kinh doanh BĐS đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 807,5 triệu USD. Như vậy, tính luỹ kế đến nay, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đã thu hút được 51,3 tỉ USD.

Giữa tháng 4 vừa qua, trong buổi làm việc với chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, ông Lee Kwang Young, Tổng giám đốc Điều hành Lotte Asset Development cho biết, Tập đoàn Lotte quyết tâm đầu tư đối với dự án Thu Thiem Eco Smart City tại Khu Đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) và hứa sẽ thực hiện thành công xuất sắc dự án

 “Lotte mong muốn xây dựng một tòa tháp biểu tượng cho thành phố tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đây sẽ là khu đô thị được thiết kế hiện đại và ứng dụng các công nghệ thông minh. Công ty đang nỗ lực hết sức để tháng 4 có thể trình duyệt đồ án. Lotte hi vọng sẽ hoàn thành các thủ tục cần thiết để có thể khởi công dự án vào dịp Quốc khánh Việt Nam 2/9,” ông Lee cho biết.

Thu Thiem Eco Smart City là Dự án khu phức hợp thông minh tại khu chức năng 2A (thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm) có tổng diện tích 7,45 ha, tổng chi phí thực hiện 20.100 tỉ đồng (không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng). Nguồn vốn do nhà đầu tư thu xếp, thời gian xây dựng công trình dự kiến 72 tháng và khai thác trong thời gian 50 năm.

Dau an dong von FDI tren thi truong bat dong san TP.HCM

Cũng tại Thủ Thiêm, một dự án khác đang trong qúa trình xây dựng cũng đang đặt mục tiêu tạo một biểu tượng mới cho TP.HCM là Tháp quan sát Emprie City với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD. Dự án đang được triển khai xây dựng và dự kiên sẽ hoàn thành toàn bộ vào năm 2022. Chủ đầu tư dự án là liên doanh với tỷ lệ vốn liên doanh là 50-50% giữa đối tác trong nước là 2 Công ty Cổ phần Bất động sản Tiến Phước, Công ty TNHH Bất động sản Trần Thái và đối tác nước ngoài là Công ty Denver Power Ltd (Vương quốc Anh) trực thuộc Tập đoàn tài chính đa quốc gia Gaw Capital Partners.

Tọa lạc tại địa chỉ 608, Võ Văn Kiệt, phường Cầu kho, Quận 1, VRG Riverview - dự án bị đóng băng trong thời gian dài của tập đoàn Cao su Việt Nam đã được tập đoàn CapitaLand mua lại với giá 51,9 triệu USD và đổi tên thành D1 Menison. Từ khi có chủ đầu tư mới, tiến độ xây dựng được đẩy nhanh chóng và giờ đây, bóng dáng của một khu phức hợp bóng bẩy, bề thế cho khu vực trung trung tâm thành phố ngày càng hiện diện rõ nét.

Còn nhớ cuối năm 2017, liên danh Công ty Xây dựng Jimiro (Hàn Quốc) - công ty Đại Tân Phú sẽ làm chủ đầu từ khu “tam giác vàng” Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học (quận 1). Theo kế hoạch, trong tương lai không xa, nơi đây sẽ "mọc" lên ba khối cao ốc văn phòng 55 tầng, một khách sạn năm sao 30 tầng và một trung tâm thương mại hạng A cao 10 tầng, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 500 triệu USD.

Có thể thấy hiện thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang phát triển khá ổn định, đặc biệt là kể từ thời điểm khủng hoảng bong bóng năm 2007. Sự ổn định này có đóng góp rất lớn từ nhiều phía, tuy nhiên nếu phải chọn một trong những yếu tố quan trọng nhất tác động đến cục diện toàn thị trường thì đó chính là khối FDI.

Trong 2 năm qua, thị trường bất động sản phục hồi kéo theo nhiều dự án khởi động trở lại sau thời gian dài "ngủ đông". Ngay trung tâm TP.HCM nhiều khu đất vàng đã được chủ đầu tư triển khai dự án cao ốc. Cùng với đó, một số tập đoàn lớn trong và ngoài nước đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng những công trình mang tính biểu tượng mới cho Tp.HCM đang phát triển rất năng động, kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt đô thị "hòn ngọc Viễn Đông" trong tương lai.

Mặc dù vẫn còn một số dự án với rủi ro tài chính, khiến dự án bị đắp chiếu trong thời gian dài nhưng những lợi ích từ dòng vốn ngoại vào bất động sản là không thể phủ nhận. Quan sát cho thấy, sau 30 năm kể từ những dòng vốn FDI đầu tiền rót vào Việt Nam thì cũng chính là ngần ấy thời gian bộ mặt đô thị của TPHCM đã được thay đổi bởi khá nhiều những dự án từ nhà đầu tư ngoại.

Nhiều dự án khách sạn 5-6 sao đã hiện diện tại TPHCM, nhưng không nhiều người biết đến NewWorld mới là khách sạn 5 sao đầu tiên tại TPHCM. Cùng với đó, với hàng loạt cao ốc văn phòng hạng A đã xuất hiện trên thị trường nhưng không ai không biết đến cao ốc Prudential là tòa nhà văn phòng hạng A đầu tiên…

Với hàng loạt dự án bất động sản đang được xây dựng, chắc chắn trong thời gian sắp tới đầu tư FDI vào bất động sản sẽ tiếp tục giúp Việt Nam thay đổi bộ mặt đô thị, tiếp cận các tiêu chuẩn kiến trúc, chất lượng, kỹ thuật xây dựng tiên tiến của thế giới…

Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Khương, Giám đốc khối đầu tư Savills Việt Nam, khác với dòng vốn ngoại đổ bộ vào thị trường bất động sản trong nước theo hình thức đăng ký những năm trước đây, dòng vốn ngoại đến từ M&A được nhìn nhận tích cực. Bởi đây được xem là nguồn vốn thực, rót trực tiếp vào các dự án thay vì các nguồn vốn ảo đăng ký trên giấy.

Thực tế cho thấy, hầu hết các dự án bất động sản sau khi được mua lại đều được triển khai một cách nhanh chóng. Không chỉ tạo nên bộ mặt mới cho TPHCM, nếu nói không quá lời, chính khối doanh nghiệp FDI, những kẻ mua lại các dự án là những người mang đến nguồn vốn để ‘giải cứu’ cho thị trường trong gần 10 năm qua.

Với kinh nghiệm hợp tác thành công với một số nhà đầu tư lớn trong khu vực châu Á qua nhiều thương vụ M&A, bà Nguyễn Thị Mỹ Phương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Tiến Phước, cho rằng lợi thế của các doanh nghiệp Việt Nam là nắm vững thị trường trong nước, có quỹ đất và mạnh về pháp lý, còn các nhà đầu tư nước ngoài là thế mạnh về tài chính, phát triển dự án... Khi cùng tham gia, các bên tận dụng được thế mạnh của đối tác để tăng tính cạnh tranh.

“Đó cũng chính là lý do mà thị trường M&A bất động sản thời gian qua khá sôi động và sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam tăng trưởng, đẩy thị trường bất động sản lên một bước mới, chuyên nghiệp hơn, bà Phương nhận định.