Đánh thuế dự án treo, khả thi đến đâu?
Tại phiên trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang kiến nghị, nên áp mức thuế lũy tiến để “trị” những chủ đầu tư bất động sản găm đất, chây ỳ không triển khai dự án, thay vì biện pháp thu hồi dự án như hiện nay. Theo đó, mức thuế sẽ lũy tiến hàng năm, năm sau cao hơn năm trước, khiến nhà đầu tư không dám găm giữ đất. Ông Quang cho rằng, nếu thực hiện tốt thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ không phải ra quyết định hành chính để thu hồi dự án, mà tự nhà đầu tư sẽ cân nhắc có nên giữ đất hay không.
Đem kiến nghị này trao đổi với giám đốc 1 doanh nghiệp đang được giao hơn 100 héc-ta đất để thực hiện dự án bất động sản tại huyện Hoài Đức từ năm 2008, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai, vị này thở dài: “Doanh nghiệp chúng tôi đang ‘chết lâm sàng’ vì thị trường đóng băng, nay nếu áp dụng biện pháp này, thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ “chết” hẳn!”.
Tuy nhiên, vị giám đốc trên cho rằng, cần phân biệt dự án doanh nghiệp cố tình chây ỳ không thực hiện dù đã có đủ điều kiện, thủ tục pháp lý với các dự án chậm triển khai do điều kiện khách quan, không phải lỗi của chủ đầu tư như vướng quy hoạch, hay do lỗi từ cơ quan quản lý.
“Ngay sau khi chúng tôi được giao dự án thì Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, dự án phải chờ quy hoạch Thủ đô, rồi lại chờ tiếp để có quy hoạch vùng, nhưng đến nay vẫn chưa xong. Vậy việc chậm triển khai này không phải do lỗi của chủ đầu tư”, vị giám đốc nói và cho rằng, trong trường hợp này, nên có chế tài xử phạt cơ quan quản lý tại các địa phương.
Trước đó, vào thời điểm năm 2011 - 2012, nhằm hạn chế tình trạng các khu đô thị “ma”, gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, đã có kiến nghị cần đánh thuế cao ở mức 5 - 10% để nhằm hạn chế việc đầu cơ bất động sản và đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình. Tuy nhiên, đến nay, kiến nghị này đã rơi vào quên lãng và hiện trên địa bàn cả nước vẫn có nhiều biệt thự trong các khu đô thị bị bỏ hoang.Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc áp thuế lũy tiến có thể coi là hình thức phạt đối với những chủ dự án chây ỳ, nhưng quan trọng nhất vẫn là vai trò quản lý, giám sát thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm trong việc để dự án “treo” nhiều như hiện nay.
Chính sách phải phù hợp với thực tế
Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, ngay từ giữa năm 2012, Bộ đã chỉ đạo các địa phương, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, tiến hành rà soát các dự án bất động sản trên tinh thần dự án nào đủ điều kiện và phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt và chủ đầu tư có đủ năng lực tài chính thì mới cho triển khai. Những dự án chưa đủ điều kiện trên thì không cho triển khai, thậm chí xem xét thu hồi.
Tuy nhiên, tính đến giữa năm 2013, chỉ có khoảng 1% tổng số dự án bất động sản trên cả nước sau rà soát được các địa phương kiến nghị thu hồi. Con số này qua ít so với mong muốn của Bộ Xây dựng là thu hồi từ 30 - 40% tổng số dự án.
Lý giải nguyên nhân khó thu hồi dự án, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo quy định, khi muốn thu hồi dự án bất động sản, cơ quan chức năng phải bồi hoàn lại cho chủ đầu tư những khoản đầu tư đã bỏ vào dự án như tiền bồi thường giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này gần như không thể thực hiện.
Một vấn đề nữa cũng quan trọng không kém, là khi các cơ quan chức năng trình lãnh đạo phê duyệt dự án đã phải thẩm tra kỹ năng lực của chủ đầu tư rồi, nay dự án chậm triển khai, nhưng cũng không dễ đề nghị thu hồi vì liên quan đến uy tín và trách nhiệm của bên thẩm định. Đó là không loại trừ khả năng có sự móc ngoặc, thông đồng để “chạy” dự án.
Ông Võ cho biết, trong bối cảnh hiện nay, việc kiến nghị đánh thuế lũy tiến đối với các dự án không triển khai theo đúng tiến độ cần được cân nhắc kỹ để phù hợp với tình hình thực tế. “Mọi chính sách khi đưa ra cần phải tính đến tính khả thi và giúp cho thị trường phát triển lành mạnh thì mới được chấp nhận, còn không chắc chắn sẽ thất bại”, ông Võ nói.
(Theo ĐTCK)