Thứ Ba | 20/11/2012 07:41

Đại biểu đề nghị tăng giá bồi thường đất

Tại buổi Thảo luận sáng 19/11, các đại biểu góp ý về vấn đề sở hữu và quyền sử dụng đất, trong đó nhấn mạnh vấn đề nâng giá đất bồi thường.
Đề nghị nâng mức bồi thường cho người bị thu hồi đất, quy định trường hợp đất thu hồi

Đại biểu Trần Ngọc Vinh - thành phố Hải Phòng cho rằng, dự thảo luật sửa đổi lần này nên quy định Nhà nước chỉ thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết vì mục đích quốc phòng an ninh và phục vụ các dự án vì lợi ích công cộng.

Trường hợp sử dụng đất vào mục đích phát triển kinh tế xã hội như xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, dịch vụ, các dự án 100% vốn nước ngoài, các dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA thì sử dụng cơ chế trưng mua, trưng dụng. Có như vậy mới đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân có đất.

Lý giải thêm về đề nghị này, đại biểu Vinh lấy dẫn chứng rằng, thực tế những năm vừa qua vì mục đích phát triển kinh tế đã thu hồi quá nhiều đất để xây dựng nhà máy, khu công nghiệp, khu du lịch, sân golf và một số các dự án khác.

Sau đó, nhiều lý do khác nhau một số dự án để lại hoang hóa, lãng phí đất đai trong khi người nông dân không có đất để canh tác dẫn đến đời sống gặp khó khăn, gây bức xúc trong nhân dân là nguyên nhân của tình trạng khiếu kiện về đất đai kéo dài.

Và khi thu đất, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu áp dụng cơ chế giá công bằng đất đổi đất, nhà đổi nhà, tức là giá hoặc đất tái định cư có thể được tạo tài sản tương đương; nâng mức bồi thường cho người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp, đồng thời nhà nước bắt buộc phải đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho người nông dân sau khi bị thu hồi đất.

Đồng thời, Ban soạn thảo nên nghiên cứu lập quỹ giải quyết việc làm cho người nông dân bị thu hồi đất giống như chúng ta quy định lập quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá; hạn chế tới mức tối đa cơ chế thu hồi đất, tăng cường mở rộng cơ chế trưng mua quyền sử dụng đất.

Đề nghị bổ sung quy định cấm mua bán đất đai trong vùng dân tộc thiểu số
Cũng liên quan đến quyền sở hữu và sử dụng đất, đại biểu tỉnh Kiên Giang đề nghị bổ sung "đất ở" vào trước cụm từ "đất sản xuất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số" trong luật sửa đổi.

Đại biểu giải thích rằng, dự thảo quy định nhà nước có chính sách tạo điều kiện về đất sản xuất doanh nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số, trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn mà không có đất hoặc thiếu đất sản xuất, đại biểu đồng tình vì đây là quy định có tính nguyên tắc về bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số trên lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên quy định trên chưa đầy đủ, còn thiếu đất ở.

Để khắc phục tình trạng mua bán trái pháp luật về đất ở, đất nông nghiệp và lợi dụng các chính sách hỗ trợ của nhà nước, luật nên có một số quy định nhằm tránh việc người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số đã được giao đất sản xuất sau đó lại chuyển nhượng dẫn đến tình trạng mất đất sản xuất.

Do đó, Luật sửa đổi cần bổ sung nghiêm cấm việc đầu cơ, mua bán bao chiếm đất đai trong vùng dân tộc thiểu số đối với những loại đất thuộc diện thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước như giao đất không thu tiền chỉ được mua bán, chuyển đổi, tặng, cho khi được chính quyền có thẩm quyền cho phép và xin đề nghị giao cho Chính phủ quy định cụ thể để tránh tùy tiện trong quá trình tổ chức thực hiện.

Đề nghị chưa quy định thế chấp đất tại ngân hàng nước ngoài
Theo đại biểu Danh Út - Kiên Giang, về thế chấp quyền sử dụng đất tại ngân hàng ở nước ngoài, dự thảo luật quy định cho phép tổ chức sử dụng đất để thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại ngân hàng ở nước ngoài.

Nhưng, theo đại biểu Kiên Giang vấn đề này cần xem xét lại vì đây là vấn đề mới chưa có thực tế để tổng kết rút kinh nghiệm nên việc quy định cần cân nhắc, nhất là hậu quả pháp lý của quan hệ này, nhất là trường hợp tổ chức vay không trả được nợ ở ngân hàng nước ngoài thì xử lý tài sản chưa có cách giải quyết.

Trong khi đó đất đai thuộc sở hữu của toàn dân, do đó, chưa nên quy định vấn đề thế chấp quyền sử dụng đất tại ngân hàng ở nước ngoài trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Nguồn NDHMoney


Sự kiện