Thứ Hai | 17/06/2013 12:44

Đa số đại biểu đề nghị không thành lập Quỹ phát triển đất

Việc thành lập tổ chức này không phù hợp với ngân sách quốc gia hiện nay, nên tập trung thu gọn vào các quỹ có sẵn để hoạt động hiệu quả hơn.
Hôm nay (17/6), Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là một trong những dự án Luật rất quan trọng được cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm.

Trong dự thảo Luật đất đai đưa ra phương án thành lập "Quỹ phát triển đất"

Điều 108. Quỹ phát triển đất

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Quỹ phát triển đất của địa phương; quyết định ủy thác cho Quỹ đầu tư phát triển hoặc Quỹ tài chính khác của địa phương quản lý Quỹ phát triển đất.

2. Nguồn tài chính để hình thành quỹ phát triển đất được trích từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, huy động từ các nguồn khác theo quy định của pháp luật và được sử dụng vào bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cho người có đất thu hồi; tạo quỹ đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng để đấu giá quyền sử dụng đất.

3. Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể việc lập, quản lý và hoạt động của Quỹ phát triển đất.

, tuy nhiên phần đông ý kiến đại biểu không tán thành với phương án này.

Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Đoàn Hòa Bình) cho rằng việc thành lập tổ chức này sẽ không phù hợp với ngân sách quốc gia hiện nay, thay vào đó nên tập trung thu gọn vào các quỹ có sẵn để hoạt động hiệu quả hơn.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Sơn, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đóng góp thêm rằng việc thành lập quỹ đất là chưa rõ ràng, thậm chí chưa xác định cụ thể về tên gọi và chức năng của tổ chức này. Đồng thời, việc huy động tài chính từ "các nguồn khác" nhưng cũng chưa nêu rõ là từ nguồn nào.

"Việc thành lập tổ chức mới đồng nghĩa với việc tăng biên chế tổ chức bộ máy, tăng chi phí quản lý, như vậy là đi ngược lại với chủ trương tiết kiệm và tinh giảm biên chế của Nhà nước trong thời gian này", Đại biểu nhấn mạnh.
Về vấn đề thu hồi đất, trong dự thảo lần này bổ sung quy định "Nhà nước thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế xã hội", về trường hợp này, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho biết việc thu hồi đất với mục đích trên cần nhắc, vì gây thiệt thòi người dân và tạo điều kiện tham nhũng phát triển, nhiều quan chức được hưởng lợi chênh lệch giữa giá đến bù và giá giao cho nhà đầu tư. Với vấn đề này, Đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) kiến nghị cần có tiêu chí để phân biệt các dự án thu hồi phục vụ vì mục đích phát triển lợi ích quốc gia, công cộng và kinh tế xã hội.

Về vấn đề bồi thường đất cho người dân, thông qua việc tổng hợp ý kiến cử chi, đa phần đại biểu đồng tình "Tiền bồi thường cho dân không đủ mua lại nhà, hoặc mua đất nông nghiệp để tiếp tục sản xuất. Nhiều khu tái định cư chất lượng không bằng khu ở cũ, chưa tương xứng với diện tích, dẫn đến người dân không giao nhà, đất." ý kiến của đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng).

Đối với vấn đề về kế hoạch mục đích sử dụng đất, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho biết "Hiện nay, nhiều khu đất sau khi Nhà nước tiến hành thu hồi của dân và giao lại cho chủ đầu tư để thực hiện dự án, tuy nhiên các dự án lại hoạt động cầm chừng, thậm chí bị bỏ quên gây ảnh hưởng đến đời sống dân, tuy nhiên lại không có ai bị xử lý, không ai chịu trách nhiệm".

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (đoàn Hà Nội) đề nghị "Cần bổ sung chế tài xử lý đối với những trường hợp đã giao đất nhưng chậm đưa vào sử dụng. Đối với nhà đầu tư đã được giao đất không sử dụng trong 12 tháng hoặc tiến độ chậm phải nộp thuế lũy tiến theo pháp luật, sau 24 tháng nộp thuế lũy tiến mà vẫn không sử dụng sẽ bị thu hồi lại".

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận với các ý kiến của đại biểu còn lại.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện