Pullman Danang Beach Resort. Ảnh: Nikkei Asian Review.

 
Quỳnh Như Chủ Nhật | 17/03/2019 10:24

Đà Nẵng là điểm nóng trong cuộc đua giữa các tập đoàn khách sạn ở Đông Nam Á

Trang Nikkei Asian Review đã nhận định như vậy khi nói về cuộc đua của các tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới tại thị trường Đông Nam Á.

Tập đoàn khách sạn Accor của Pháp đang muốn giữ vị thế thống trị trong ngành khách sạn tại Đông Nam Á trong thập kỷ tới bằng cách tăng gấp đôi mạng lưới, nhằm cạnh tranh với Tập đoàn Marriott International, vốn cũng đang muốn thu hút các khách hàng giàu có trong khu vực tới các khách sạn hạng sang của mình.

Trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2017, lượng khách du lịch nước ngoài đến Đông Nam Á đã tăng 40% lên hơn 100 triệu mỗi năm. Một trong những thành phố nghỉ dưỡng nóng nhất của khu vực Đông Nam Á là Đà Nẵng, nằm trên bờ biển miền Trung của Việt Nam, nơi có những khách sạn sang trọng với hồ bơi lớn và các phòng ốc cao cấp nằm dọc bãi biển.

Trong đó, Accor là một trong những tập đoàn chuyên về khách sạn của phương Tây đầu tiên đến thành phố. Tập đoàn này đã ra mắt một khách sạn đầu tiên vào năm 2011 và hiện đang điều hành 5 khách sạn tại Đà Nẵng, bao gồm Khu nghỉ dưỡng Pullman trên bãi biển Đà Nẵng, khai trương vào năm 2013.

Fraser Ross, tổng giám đốc của Pullman cho biết, việc có nhiều công ty đa quốc gia đến đây đã thúc đẩy Accor thực hiện một bước đi táo bạo và cải tạo khách sạn Pullman sau 5 năm kinh doanh. Ông Fraser cũng cho biết số lượng phòng khách sạn tại Đà Nẵng tăng hơn 15% so với một năm trước.

Cách Pullman khoảng 10 phút lái xe là khách sạn Sheraton Đà Nẵng, do tập đoàn Marriott điều hành. Một khách sạn sang trọng, khai trương vào năm 2018, đã đạt được "tỷ lệ lấp đầy cực kỳ cao khoảng 80%", một đại diện khách sạn cho biết. Là người đến sau, Marriott đã ra mắt khách sạn tại Đà Nẵng đầu tiên vào năm ngoái nhưng hiện đang điều hành hai khách sạn tại thành phố vì muốn bắt kịp với Accor.

Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu khách sạn STR của Vương quốc Anh, Accord thống trị dịch vụ thuê phòng ở Đông Nam Á, nắm giữ thị phần phòng khách sạn lớn nhất ở Thái Lan, Indonesia và Singapore, và đứng thứ hai tại Malaysia. Patrick Basset, giám đốc điều hành của AccorHotels cho khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á cho biết, Đông Nam Á tạo điều kiện cho sự gia nhập dễ dàng hơn cho Accor so với Nhật Bản hoặc Trung Quốc.

Accor đã được hưởng lợi từ danh mục gồm 33 thương hiệu của mình với nhiều mức giá khác nhau, từ các khách sạn sang trọng Raffles cho đến chuỗi khách sạn Ibis. Khi hợp tác với các tập đoàn Đông Nam Á, công ty Pháp đã ngay lập tức giới thiệu các khách sạn với mức giá mà các đối tác của họ thèm muốn, điều này cho phép hãng mở rộng nhanh chóng và tăng thị phần, Basset nói thêm.

Accor sẽ tăng gấp đôi mạng lưới khách sạn tại Đông Nam Á của mình lên 600 địa điểm trong vòng 10 năm tới, nhằm cạnh tranh với đối thủ Marriott International.

Marriott, với danh mục gồm nhiều khách sạn sang trọng, dự định thách thức Accor bằng cách củng cố các thương hiệu bình dân, mở thêm chuỗi khách sạn hạng sang W Hotels và resort năm sao khác. Tập đoàn Mỹ tiết lộ sẽ khai trương chuỗi khách sạn Aloft tại khu nghỉ mát Bali của Indonesia vào mùa hè này.

Marriott đã mua lại Starwood Hotels & Resort Worldwide năm 2016. Động thái này đã mang lại cho hãng các thương hiệu như Sheraton. Marriott cũng lên kế hoạch vào Myanmar và các thị trường mới nổi khác.

Các công ty địa phương cũng đang có vị thế rất tốt khi Archipelago International và Santika Indonesia Hotels & Resort chiếm vị trí thứ hai và thứ ba tại Indonesia, sau Accor. Tại Philippines, chuỗi khách sạn và khu nghỉ dưỡng Shangri-La của Hồng Kông dẫn đầu, theo sau là một công ty Thái Lan.

Châu Á có khoảng 350 triệu khách du lịch mỗi năm với mức tăng trưởng 6%/năm, Basset cho hay. Số phòng khách sạn của Accor ở châu Á chiếm 30% tổng số khách sạn của tập đoàn. Accor cũng dự định xây dựng thêm ở Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á.