Cưỡng chế giải tỏa chung cư D2 Giảng Võ sau ngày 2/9
Trước đó, chủ đầu tư đã kết hợp các cấp chính quyền địa phương điều tra xã hội học, lấy ý kiến của các tổ chức và người dân. Với 114 tổ chức, hộ gia đình (trong đó có 6 tổ chức tại tầng một, 97 hộ gia đình ở tại tầng 2-5, 11 cá nhân có ki ốt trên đất lưu không bên ngoài nhà tập thể), thì có đến 97 % đồng ý việc xây dựng lại.
Với quá trình triển khai giải phóng mặt bằng, qua các thủ tục, văn bản, giấy tờ, họp đối thoại với dân, đến nay đã có 100/114 hộ gia đình, tổ chức, cá nhân đồng thuận, tự nhận tiền bồi thường, hỗ trợ tạm cư và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư (đạt trên 87%).
Hiện chỉ còn 14 hộ dân chưa ký hợp đồng với chủ đầu tư, bàn giao mặt bằng, mặc dù tại dự án này, quyền lợi của các hộ dân đã được xem xét, thỏa thuận cao hơn rất nhiều theo quy định. Như diện tích tái định cư trở lại là 2,5 lần so với diện tích cũ (không phải trả tiền, theo quy định của UBND thành phố Hà Nội là 1, 3 lần); tiền hỗ trợ tạm cư 5 triệu đồng/hộ/tháng (quy định của thành phố không quá 3 triệu đồng/hộ/tháng)...
Theo chủ đầu tư, một số hộ đã lên tiếng sẽ tiến hành ký hợp đồng tới đây, nhưng có một vài hộ đề nghị chủ đầu tư mua lại với giá cao đến 3,5 tỷ đồng cho 33m2, hay đòi bảo lãnh ngân hàng đến 6 tỷ đồng nếu sau 5 năm không hoàn thành... không được chủ đầu tư chấp thuận.
Ngày 24/8, UBND quận Ba Đình đã họp báo về vấn đề này. Theo ông Đỗ Viết Bình, Chủ tịch UBND quận Ba Đình, Chủ tịch Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư quận Ba Đình, UBND quận Ba Đình đã thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý, công khai, dân chủ, đặc biệt chú ý công tác tuyên truyền vận động người dân tự giác chấp hành.
Mặc dù UBND quận đã ra quyết định cưỡng chế đối với các hộ không chấp hành, nhưng quan điểm của quận sẽ tiếp tục vận động. Chính Chủ tịch Đỗ Viết Bình đã trực tiếp trao đổi, đối thoại 4 lần. Nếu sau 2/9, các hộ dân không chấp hành, chính quyền sẽ cương quyết cưỡng chế.
Đây cũng là thực hiện theo yêu cầu của đa số các hộ dân đã bàn giao, di chuyển, để dự án sớm triển khai.
Nguồn VnMedia