Ảnh: Kinhtedothi.vn

 
Hà Linh Thứ Tư | 20/11/2019 10:11

Cuộc đua phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản nóng trở lại

Thời gian qua, “cuộc đua” phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản không chỉ gây chú ý với lượng lớn mà còn ghi nhận mặt bằng lãi suất cao.

Số liệu từ công ty chứng khoán SSI cho thấy, trong tháng 10/2019, có 17.071 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản đã vượt qua khối ngân hàng thương mại để trở thành khối doanh nghiệp phát hành trái phiếu lớn nhất với 9.349 tỷ đồng. Không chỉ là nhóm có lượng phát hành trái phiếu lớn nhất mà đây cũng là nhóm doanh nghiệp có mức lãi suất cao nhất.

Trong khi phát hành trái phiếu của các nhà băng chỉ dao động quanh ngưỡng 7-8%, thì trái phiếu những doanh nghiệp bất động sản chào lãi suất 11-13%, cá biệt có những đợt phát hành tới 20%.

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Star Beach đã phát hành lô trái phiếu với tổng giá trị phát hành 150 tỉ đồng. Đáng chú ý, lô trái phiếu trên có lãi suất lên đến 18%/năm và không có tài sản đảm bảo.

 

Mới đây nhất, trong tháng 10/2019, công ty cổ phần Bất động sản Sài Gòn Vina (Land Saigon) cũng thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư khi phát hành 1.850 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 11%/năm. Điều đáng nói, doanh nghiệp này phát hành một lượng trái phiếu lớn trong khi dòng tiền hoạt động kinh doanh lại đang bị âm. Theo đó, báo cáo tài chính quý III/2019 của Land Saigon cho thấy, trong quý III và lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, Land Saigon chỉ ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính và không có doanh thu từ hoạt động bán hàng. Hệ số nợ trên tổng tài sản của doanh nghiệp lên tới 69%, trong đó chủ yếu là những khoản nợ dài hạn.

Nguyên nhân khiến doanh nghiệp bất động sản “đua” phát hành trái phiếu

Theo ông Vương Hoàng Sơn, Trưởng phòng Kinh doanh Trái phiếu, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, khuynh hướng gia tăng giá trị phát hành của doanh nghiệp bất động sản trong những tháng vừa qua, không chỉ cho thấy trái phiếu đang trở thành một kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp bất động sản, mà còn là một kênh đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Lý giải về điều này, ông Sơn cho biết, xu hướng tăng trong giá trị phát hành của nhóm ngành bất động sản là do định hướng thắt chặt tín dụng của chính phủ và ngân hàng nhà nước vào lĩnh vực bất động sản.

Cùng với đó, bản thân các ngân hàng khi cho doanh nghiệp bất động sản vay cũng có xu hướng chuyển đổi khoản vay thành trái phiếu để có tính thanh khoản cao hơn. Bên cạnh đó, về phía tổ chức phát hành, các doanh nghiệp bất động sản cũng muốn đa dạng hóa nguồn vốn để tránh phụ thuộc vào ngân hàng hay thị trường chứng khoán.

Rủi ro lớn cho nhà đầu tư và doanh nghiệp

Theo ông Sơn, mặt bằng lãi suất trái phiếu đã tăng khoảng 0,5 điểm phần trăm trong năm 2019. Trong khi đó, một số ít trái phiếu có lãi suất vượt hẳn so với mặt bằng chung, lên đến 13-14% hay 20%.  Việc phát hành trái phiếu với lãi suất cao sẽ tiêu cực đến khả năng chi trả, lợi nhuận của doanh nghiệp. Song, mức độ ảnh hưởng sẽ rất khác nhau tùy từng doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp có đòn bẩy cao bị ảnh hưởng nặng nhất.

Theo ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty cổ phần Chứng khoán KIS, việc phát hành thêm lượng lớn trái phiếu trong bối cảnh dòng tiền hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đang bị âm là khá rủi ro. Rủi ro cho chính doanh nghiệp phát hành cũng như nhà đầu tư.

Lý giải thêm về điều này, ông Phương cho hay, thông thường các doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu phải đảm bảo tổng tài sản lớn hơn tổng khối nợ muốn huy động vào. Nếu cơ cấu nợ quá lớn so với tổng tài sản hoặc vốn điều lệ sẽ khiến hoạt động của doanh nghiệp mất cân đối, có nguy cơ dẫn đến phá sản trong tương lai khi có rủi ro phát sinh.

“Các doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu phải có dự án cụ thể; có phương án sử dụng dòng vốn cũng như lợi nhuận mang về của dự án phải đảm bảo cao hơn chi phí vốn huy động thì mới khả thi. Trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu có phương án sử dụng vốn thiếu minh bạch, không có tính khả thi thì rủi ro rất lớn cho các nhà đầu tư”, ông Phương cho biết.

 

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín cho rằng, về nguyên tắc, lãi suất cao đi kèm với rủi ro cao. Trong thời điểm này, những kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời trên 10%/năm sẽ có rủi ro càng lớn. Điều này càng quan trọng khi cách thức tiếp cận thông tin về doanh nghiệp của nhà đầu tư hiện nay vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. “Vì vậy, nhà đầu tư muốn mua trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là của các công ty bất động sản cần đặc biệt chú trọng các yếu tố như độ minh bạch của báo cáo tài chính, tính pháp lý của dự án, độ hợp lý trong vấn đề định giá…”, chuyên gia Bùi Quang Tín chia sẻ.

►TP.HCM đứng đầu châu Á về triển vọng phát triển bất động sản trong năm 2020

Ông Lê Hoàng Châu: Thị trường bất động sản TP.HCM vẫn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng

Thị trường bất động sản sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2020?

Nguồn Tổng hợp