Với các nước đang phát triển, cơ hội đầu tư cho phân khúc du lịch nghỉ dưỡng là rất lớn. Ảnh: TL.
Cuộc đua của các siêu đô thị duyên hải
Với trào lưu này, thị trường bất động sản đang hình thành nhiều các khu đô thị - du lịch quy mô lớn dọc theo đường bờ biển từ Bắc đến Nam.
Ở Bình Định, Tập đoàn Hưng Thịnh phát triển thành phố bán đảo Merry Land Quy Nhơn gần 1.000 ha theo mô hình du lịch kết hợp thương mại. Novaland đầu tư các khu phức hợp NovaWorld Phan Thiết và NovaWorld Hồ Tràm đều có quy mô 1.000 ha. Ở Nha Trang, tập đoàn này dự kiến phát triển một tổ hợp du lịch rộng 650 ha. Tập đoàn Sun Group đầu tư Sunneva Island ở Đà Nẵng. Ở Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Bình, loại hình siêu đô thị ven biển cũng đang nhận sự quan tâm đặc biệt từ giới đầu tư.
Những dự án này hướng tới mục tiêu không chỉ để giải trí, du lịch mà còn để ở hay kinh doanh lâu dài. Đặc biệt, những điểm đến du lịch mới và chưa được khám phá đang trở thành sự lựa chọn nhờ cơ hội hấp dẫn du khách có sở thích trải nghiệm.
Đánh giá về xu thế dòng vốn chảy vào các vùng duyên hải rộ lên gần đây, bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, cho rằng với khó khăn về pháp lý đi cùng mặt bằng giá ngày càng đắt đỏ, trong 3-5 năm tới, các đô thị lớn như TP.HCM sẽ dần mất sức hút và tính cạnh tranh so với các vùng lân cận. Theo nhận định của Cushman & Wakefield, thị trường tại các thành phố duyên hải sẽ trở nên năng động hơn với sự đa dạng loại hình bất động sản, không chỉ tập trung vào mảng khách sạn - du lịch như trước năm 2020. Đó là nhờ quỹ đất dồi dào, cơ sở hạ tầng được cải thiện và sự phục hồi của ngành du lịch.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường đón nhận 26 dự án biệt thự nghỉ dưỡng với hơn 2.700 căn, tăng 53% so với cùng kỳ. Tỉ lệ tiêu thụ đạt mức khá cao, tương đương 75%, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, theo báo cáo thị trường của DKRA Vietnam.
Vì sao ngành du lịch nghỉ dưỡng được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn hậu COVID-19 nhưng các chủ đầu tư vẫn mạnh dạn rót hàng tỉ USD phát triển các khu đô thị ven biển?
Đầu tư cần đánh giá nhiều góc nhìn khác nhau của xã hội, làm sao để du khách có thể đến đây thuận lợi nhất, có thể chi tiêu nhiều nhất và để du khách tiếp tục quay lại. Ảnh: TL |
Chia sẻ với NCĐT, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Đầu tư, Savills Việt Nam, cho rằng loại hình bất động sản nghỉ dưỡng khác hoàn toàn với bất động sản nhà ở. Với bất động sản nhà ở, người mua dễ dàng bán và thu hồi vốn trong vòng 3-5 năm. Trong khi đó, bất động sản nghỉ dưỡng nếu muốn mức sinh lời 8-10% năm thì cần 8-10 năm để thu hồi vốn. Do đó, các nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng luôn có một tầm nhìn dài hạn. Đối với những nước có khí hậu nhiệt đới, có bờ biển dài 3.000 km như Việt Nam thì đây là một lợi thế về đầu tư du lịch nghỉ dưỡng.
Với các nước đang phát triển, cơ hội đầu tư cho phân khúc du lịch nghỉ dưỡng là rất lớn. Hiện nay, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào khu du lịch nghỉ dưỡng dọc theo bờ biển sẽ là lợi thế cho ngành du lịch Việt Nam, ngay cả trong những thời điểm nền kinh tế chịu tác động bởi dịch bệnh.
Việt Nam có lợi thế cạnh tranh do điều kiện thiên nhiên ban tặng và chưa được đầu tư đúng đắn như thị trường Thái Lan. Đầu tư cần đánh giá nhiều góc nhìn khác nhau của xã hội, làm sao để du khách có thể đến đây thuận lợi nhất, có thể chi tiêu nhiều nhất và để du khách tiếp tục quay lại. Ngành du lịch là lĩnh vực thu về ngoại tệ rất lớn. Bên cạnh sự tăng trưởng về khách nội địa, việc thu hút khách nước ngoài giúp Việt Nam thu hút ngoại tệ.
Theo ông Khương, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng dễ bị tác động bởi nhiều yếu tố địa chính trị, bất khả kháng như dịch bệnh, thiên tai. Tại Thái Lan, ở những giai đoạn khó khăn, ngành du lịch là nhóm ngành chính đóng góp tăng trưởng vào GDP. Tuy nhiên, những tình trạng như cung vượt cầu và rủi ro khi đầu tư sẽ có nếu sản phẩm du lịch không được thị trường chấp nhận hoặc cơ sở hạ tầng không đáp ứng.
Ở góc nhìn đầu tư, cần đánh giá về tỉ lệ lợi nhuận đầu tư hằng năm để nhà đầu tư có thể đạt biên lợi nhuận cao. Tất nhiên, đối với người mua nhà, đầu tư vào các khu đô thị biển không chỉ dừng lại ở lý do lợi nhuận mà đó còn là cơ hội để tận hưởng một cảm xúc trải nghiệm mới mẻ.
Đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng còn phụ thuộc vào phong cách, nhu cầu và sức khỏe. Khi có một ngôi nhà nghỉ dưỡng thứ 2 hay condotel thì họ có thể sinh sống và làm việc bình thường ở một nơi có quang cảnh đẹp và khí hậu tốt. Lợi nhuận về đầu tư ở phân khúc này sẽ tạm ổn và vấn đề lợi nhuận thường không phải là ưu tiên hàng đầu khi đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng”, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương chia sẻ