Nguồn ảnh: batdongsan.com
COVID-19 thay đổi bản đồ bất động sản công nghiệp
Thời gian còn lại trong năm sẽ khác
DEEP C đã luôn bận rộn trong những tháng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nhờ lượng khách hàng mới thu hút được hồi cuối năm 2019. “Chúng tôi đang tập trung nhân lực vào việc giao đất đúng tiến độ và tiến hành các thủ tục cấp phép cho các dự án của khách hàng”, ông Koen Soenens, Giám đốc Bán hàng & Tiếp thị Khu công nghiệp DEEP C, trả lời NCĐT. Tuy nhiên, trong quý II và thời gian còn lại trong năm 2020 lại là một câu chuyện khác.
“Rất có thể chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng trong quý II do xu hướng chậm lại trên toàn cầu”, ông Koen Soenens cho biết. Dịch COVID-19 không ảnh hưởng quá nhiều đến doanh thu trong quý I của DEEPC là nhờ chuyển đổi kinh doanh bất động sản công nghiệp sang cung cấp các gói dịch vụ để đưa một nhà máy vào vận hành trong tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp. “Đó chắc chắn không phải là một viễn cảnh hứa hẹn”, ông nói.
Không có cơ hội đón các khách hàng mới đến thăm quan khu công nghiệp, DEEP C là một trong hàng trăm khu công nghiệp đối diện với doanh thu bếp bênh mùa đại dịch. “Các khách hàng tiềm năng của chúng tôi đều phải chờ đến khi dịch bệnh được kiểm soát mới có thể trực tiếp đến thăm và cảm nhận về DEEP C”, ông Koen Soenens nói với NCĐT trong khi vẫn giữ liên lạc với các khách hàng qua các kênh trực tuyến.
Một niềm tin chung rằng Việt Nam có thể sẽ là người “chiến thắng” trong cuộc khủng hoảng và điều này có thể giảm bớt hậu quả nghiêm trọng của việc đóng cửa toàn cầu trên thế giới đối với các công ty đang hoạt động tại Việt Nam. Do đó, các khách hàng tiềm năng của DEEP C, bên cạnh việc giữ tinh thần tích cực về triển vọng ngắn hạn, thậm chí còn mong muốn cơ cấu lại chuỗi cung ứng của họ bằng cách chuyển ra khỏi Trung Quốc và đầu tư vào Việt Nam.
“Thời điểm này là lúc nhìn lại các cổ phiếu khu công nghiệp sau dịch COVID-19”, Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định trong báo cáo mới nhất. Các công ty phát triển khu công nghiệp vẫn triển vọng do nhu cầu đất công nghiệp tăng mạnh. Tất nhiên, mỗi công ty có đặc điểm khác nhau với từng thách thức và cơ hội riêng biệt, nhưng được ưa thích nhất vẫn là các khu công nghiệp sở hữu quỹ đất lớn tại các vị trí đắc địa và có danh mục khách hàng lớn mạnh.
Thị trường sẽ xuất hiện “những điểm nóng công nghiệp mới”, theo VNDIRECT. Tại miền Bắc, các khu công nghiệp tại Hải Dương, Bắc Giang sẽ phát triển nhờ vào đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, giúp thời gian di chuyển từ Hà Nội đến biên giới khu vực Lạng Sơn giảm một tiếng so với trước đây. Ở miền Nam, Bà Rịa – Vũng Tàu đang trở thành điểm nóng công nghiệp kể từ khi hệ thống đường cao tốc mới được đẩy mạnh phát triển, kết nối cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải với TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương.
phân khúc bất động sản công nghiệp đã phát triển mạnh mẽ với sự gia tăng gấp 10 lần của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thập kỷ qua. Ảnh minh hoạ. Nguồn ảnh: tapchitaichinh |
Mở rộng nhóm khách thuê
Khả năng sự dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc có thể giúp mảng bất động sản công nghiệp nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng là có cơ sở, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Cấp cao CBRE, xác nhận. Bà cho biết, đây cũng là cơ hội mở ra cho bất động sản công nghiệp kể từ sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhưng COVID-19 đã làm rõ ràng hơn nhu cầu dịch chuyển sản xuất của các công ty nhằm giảm phụ thuộc nguồn cung vào Trung Quốc. Dù vậy, dịch bệnh cũng làm cho thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam chứng kiến sự sụt giảm về nhu cầu từ các khách thuê Trung Quốc, trong khi nhiều nhà đầu tư khác tạm ngừng đưa ra quyết định mới.
Bà Dung chia sẻ thêm, bất chấp tác động dịch COVID-19, có một vài mảng trong mảng bất động sản công nghiệp có cơ hội phát triển, ví dụ phát triển các kho hàng và kho lạnh. Thương mại điện tử có doanh thu rất tốt trong tháng 2 và 3 nhưng mức tăng trưởng 100% vẫn hạn chế so với các nước trong khu vực. Thương mại điện tử vẫn tập trung chủ yếu vào các ngành hàng khô, các ngành hàng tươi sống của Việt Nam đang bị hạn chế do thiếu một hệ thống kho lạnh hiệu quả.
Theo phân tích của Savills Việt Nam, phân khúc bất động sản công nghiệp đã phát triển mạnh mẽ với sự gia tăng gấp 10 lần của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thập kỷ qua. Nguồn cung đất tốt đang tạo điều kiện cho các dự án sản xuất sắp tới với sự gia tăng các hình thức cho thuê và nhiều giải pháp khác. Tuy nhiên, tình trạng thiếu lao động ở Trung Quốc do virus COVID-19, có thể ảnh hưởng đến nhiều nhà sản xuất Việt Nam có liên kết chuỗi cung ứng liên quan đến Trung Quốc, ông John Campbell, Trưởng bộ phận Bất động sản Công nghiệp, Savills Việt Nam, nhận định.
Sự cạnh tranh đối với các khu sản xuất có vị trí gần các các thành phố lớn và cảng biển lớn, theo John Campbell, sẽ ngày càng tăng lên khi nguồn cầu tiếp tục vượt xa nguồn cung, đặc biệt là ở các tỉnh công nghiệp trọng điểm, với tỷ lệ lấp đầy đạt 75% tại các khu công nghiệp đang hoạt động trên toàn quốc. Cùng với một loạt các đơn vị sản xuất quốc tế mới, mang đến cho các chủ đầu tư quyền được chọn các khách thuê phù hợp, từ đó lựa chọn các công ty đa quốc gia trong các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Giữa dịch COVID-19, vẫn có thêm một tin tốt khác cho bất động sản công nghiệp. Ông John Campbell cho hay, kể từ tháng 6.2019, ngày càng nhiều các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp tại Việt Nam tự tin rằng EVFTA sẽ thúc đẩy đầu tư vào sản xuất, từ đó mở rộng nhóm khách thuê hơn. Với việc thỏa thuận này sẽ được phê chuẩn vào tháng 5 tới, các nhà đầu tư cũng hy vọng sẽ thấy sự gia tăng nhu cầu thuê từ các nhà sản xuất châu Âu vào năm 2020 và 2021.
Có thể bạn quan tâm:
►Thay vì "ngủ đông", bất động sản chuyển hướng kinh doanh mới