Ảnh: techgel.com
Cocobay ngưng trả lợi nhuận cam kết: Chuyên gia nói gì?
Cocobay ngưng trả lợi nhuận cam kết 12% cho nhà đầu tư
Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô (Tập đoàn Empire) vừa phát đi thông báo liên quan đến việc thực hiện cam kết lợi nhuận Condotel với khách hàng tại dự án Cocobay Đà Nẵng.
Trong thư gửi khách hàng, Công ty Thành Đô cho hay, việc kinh doanh loại hình Condotel thời gian qua vẫn gặp nhiều khó khăn do tính pháp lý chưa được hoàn thiện, gặp nhiều vướng mắc. Do đó, dù đã nỗ lực rất lớn nhằm thực hiện cam kết về lợi nhuận với khách hàng đã mua sản phẩm Condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng, song tập đoàn này vẫn đành phải xin lỗi vì đã không thể thực hiện được chi trả lợi nhuận cam kết như đã hứa trong hợp đồng.
Với những khó khăn về dòng tiền, Công ty Thành Đô xin chấm dứt việc chi trả lợi nhuận như đã cam kết trong hợp đồng khi mua condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng từ ngày 1/1/2020.
Công ty chỉ chịu trách nhiệm với các khoản lợi nhuận như đã cam kết đến hết ngày 31/12/2019 cho các chủ sở hữu condotel.
Cùng với đó, Công ty Thành Đô cũng đưa ra một số hướng giải quyết đối với các khách hàng đã mua sản phẩm Condotel tại Cocobay Đà Nẵng, gồm:
Giải pháp thứ nhất: Khách hàng tiến hành chuyển đổi condotel thành căn hộ chung cư với chi phí chuyển đổi dự kiến 15% giá trị căn hộ và được toàn quyền sử dụng như căn hộ chung cư bình thường. Chủ sở hữu cũng có thể giao lại cho chủ đầu tư căn hộ đó để tiếp tục kinh doanh với những cam kết về thu nhập cố định hàng năm.
Chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng “vỡ trận” cam kết lợi nhuận Condotel. Ảnh: Vtc.vn |
Hoặc vẫn giữ lại các condotel và tiếp tục để chủ đầu tư kinh doanh với bản hợp đồng mới 10 năm, trong đó lợi nhuận trong 3 năm đầu theo thị trường. Sau 3 năm thì lợi nhuận cố định hoặc 80% lãi từ kinh doanh sản phẩm này.
Giải pháp thứ hai là khách hàng thanh lý hợp đồng mua bán và giao lại các sản phẩm Condotel cho khách hàng để tự kinh doanh, mua bán, chuyển nhượng mà không có bất kỳ một khoản lợi nhuận cam kết nào như đã ký trước đây. Đồng thời khách hàng nếu tự kinh doanh thì phải đóng một khoản phí vận hành, sử dụng nhất định.
Giải pháp tiếp theo là hai bên tiến hành thanh lý các Condotel đã ký hợp đồng, chủ đầu tư hoàn lai tiền cho khách hàng theo nguyên giá trong hợp đồng đã ký, nhưng Công ty Thành Đô sẽ khấu một số khoản như: chi phí hỗ trợ lãi vay ngân hàng, chi phí hoa hồng, phí phát hành bảo lãnh…và khách hàng bàn giao lại sản phẩm cho Công Thành Đô. Thời hạn chi trả chậm nhất đến 30/9/2020. Trong thời gian chưa chi trả, chủ đầu tư sẽ thanh toán lãi suất 10%/năm đối với số tiền đó.
Vỡ trận Cocobay Đà Nẵng: Hàng loạt Condotel sẽ nối gót?
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, những rủi ro này đã được dự báo từ trước, "từ 4 năm trước, khi loại hình bất động sản nghỉ dưỡng ồ ạt ra đời tôi đã cảnh báo cả chủ đầu tư lẫn nhà đầu tư thứ cấp nhưng dường như nhà đầu tư vẫn bỏ ngoài tai vì lòng tham, vì lợi nhuận cam kết lên đến 10-12%".
Điều này không chỉ tạo nên tâm lý e dè cho các nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng tới toàn thị trường Condotel nói chung. “Khi sự việc này xảy ra rất có thể sẽ khiến nhiều dự án khác sẽ vỡ trận về cam kết lợi nhuận. Điều này sẽ tạo nên cơn chấn động trong thị trường Condotel”, ông Hiếu khẳng định.
Điểm khởi đầu cho cuộc khủng hoảng chu kỳ 10 năm?
Trong khi đó, tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý thuộc Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, chúng ta cần hết sức cẩn thận với quả bom hẹn giờ Condotel. Ông Du lo ngại rằng, sự kiện Cocobay ngưng trả lợi nhuận cam kết 12%/năm có thể là điểm khởi đầu cho cuộc khủng hoảng chu kỳ 10 năm – một điều rất không mong đợi.
Nói rõ hơn về điều này, ông Du phân tích, dòng tiền có được từ mô hình condotel để chủ đầu tư trang trải chi phí vận hành, trả lãi cho khách hàng và lợi nhuận cho mình chính là tiền cho thuê căn hộ. Do đó, để có thể trả được lợi suất 12%/năm thì số tiền thu được phải cao hơn rất nhiều. Ví dụ, để có thể trả lãi 120 triệu đồng cho căn hộ có giá 1 tỷ đồng thì mỗi tháng tiền cho thuê dành để trả lãi là 10 triệu đồng. Cộng với chi phí vận hành, lãi của chủ đầu tư thì hàng tháng số tiền cho thuê phải lớn hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, trong thực tế, thị trường căn hộ cho thuê ở TP.HCM, nơi được xem là sôi động nhất cũng rất khó để có được tỷ suất 12% của số tiền cho thuê chia cho giá trị căn hộ.
Chủ đầu tư chỉ có thể trả được suất sinh lợi 12% khi giá các căn hộ liên tục tăng và chủ đầu tư liên tục có các căn hộ bán ra thị trường và có nhiều người mua. Chu kỳ này sẽ sụp đổ khi nhu cầu mua không còn nữa.
Cùng với đó, mặc dù ngành du lịch có sự bùng phát trong mấy năm gần đây, nhưng kết quả kinh doanh ngành này rất thấp. Ở nhiều nơi số tiền cho thuê thu được không đủ để doanh nghiệp bù đắp chi phí vận hành.
Cùng chung quan điểm trên, ông Kai Marcus Schröter, CEO của Hospitalily Tourism Management, nói rằng cam kết lợi nhuận 10- 15% là rất khó đạt được. Đây cũng là mức cam kết “ít khi được nhắc đến trên toàn thế giới”.
“Lí do để các nhà phát triển condotel tại Việt Nam cam kết như vậy là vì họ chưa hiểu bản chất của kinh doanh khách sạn và nhà hàng. Chúng ta phải chi phí rất lớn để duy trì hoạt động của condotel và tạo ra lợi nhuận 10 – 15%, vì thế đạt được cam kết đó là không dễ dàng.
“Câu chuyện đằng sau con số này chưa rõ nhưng tôi cho rằng đó chỉ là một di sản người ta tạo ra để quảng bá chứ không có tính khả thi”, ông Kai nói hồi tháng 4 năm nay.
►Bất động sản không còn là khoản đầu tư an toàn cho giới đầu tư?
►Dòng vốn đổ về đâu khi thị trường bất động sản đi xuống?
►Thị trường bất động sản sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2020?