Hiện nay nguồn cung thấp, tỉ lệ hấp thụ khá tốt, chủ đầu tư kỳ vọng mức giá đưa ra tốt hơn khi thị trường bước vào giai đoạn nóng hơn. Ảnh: TL
Có hàng là mở bán
Càng về cuối năm, thị trường càng sôi động với các hoạt động mở bán, ra mắt hay công bố dự án mới. Trong đó, Vingroup mở bán phân khu tại Khu đô thị Vinhomes Grand Park; Phú Long ra mắt hơn 400 căn hộ của dự án Essensia Sky; TTC Land đang truyền thông về 27 căn hộ Panomax River Villa... Một số dự án mới cũng tạo hiệu ứng tích cực tại thị trường khu Đông và khu Tây như FIATO Uptown, Eaton Park, The Opus One, King Crown Infinity, The Privia và Akari City...
Theo báo cáo của CBRE Việt Nam, trong những tháng cuối năm 2024, riêng rổ hàng căn hộ sơ cấp tại TP.HCM sẽ có thêm 3.000 căn hộ, nâng tổng nguồn cung năm 2024 lên 5.000 căn. Còn tại Hà Nội, dự báo trong quý IV/2024, nguồn cung căn hộ mới sẽ có thêm hơn 10.000 căn. Có thể thấy, trong những tháng cuối năm, các chủ đầu tư có sẵn nguồn hàng đều sẵn sàng mở bán, thay vì chờ đến năm sau nhằm nắm bắt ngay cơ hội phục hồi sau thời gian dài khó khăn. Thực tế, thị trường cũng cho thấy sức nóng khi giá căn hộ liên tục thiết lập mặt bằng mới ở mức cao, trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.
Theo tổng hợp của Batdongsan.com.vn, nhiều dự án mở bán mới tại TP.HCM có mức giá dao động từ 45-130 triệu đồng/m2. Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Nhà ở CBRE Việt Nam, cho rằng quý III là thời điểm quyết định giai đoạn mới của thị trường bất động sản. Hiện nay nguồn cung thấp, tỉ lệ hấp thụ khá tốt, chủ đầu tư kỳ vọng mức giá đưa ra tốt hơn khi thị trường bước vào giai đoạn nóng hơn.
Kết quả kinh doanh quý III cho thấy bức tranh có phần tích cực của doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên 2 sàn TP.HCM và Hà Nội. Trong đó, thị trường bất động sản đã kết thúc chuỗi 4 quý tăng trưởng âm liên tiếp ghi nhận lợi nhuận tăng gần 19% so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, tồn kho bất động sản tăng 20,3% so với cùng kỳ và 6% so với quý liền trước, chiếm tỉ lệ 23,6% tổng tài sản. Có thể thấy, lượng hàng bán ra vẫn chậm, việc triển khai dự án vẫn còn khó khăn mặc dù cơ sở pháp lý đã được ban hành và sức cầu người dân yếu hơn khi kinh tế còn nhiều thách thức.
Trong khi đó, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/8/2024 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,27 triệu tỉ đồng, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,9% so với 1 tháng trước. Doanh nghiệp có mức tăng nợ vay nhiều nhất kể từ đầu năm là Địa ốc Hoàng Quân khi dư nợ vào cuối tháng 9 vượt hơn 1.500 tỉ đồng, trong khi đầu năm chỉ có 62 tỉ đồng. Xét về độ lớn, Vinhomes và Novaland vẫn là 2 doanh nghiệp dẫn đầu ngành về số dư nợ vay, lần lượt gần 72.200 tỉ đồng (tăng 27%) và hơn 59.800 tỉ đồng (tăng 4%).
Theo Công ty Chứng khoán VNDIRECT, tính đến ngày 15/10, có hơn 100 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn với các trái chủ, tổng giá trị trái phiếu được gia hạn hơn 156.000 tỉ đồng. Trong đó, hơn 58.700 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn trong năm 2024 đã được gia hạn, chiếm 37,6%. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp đang nỗ lực xử lý những khoản nợ ngắn hạn, giảm thiểu áp lực thanh toán trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động như hiện nay. Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FiinGroup, nhận định, hiện nay, nguồn vốn và thanh khoản vẫn là 2 vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp bất động sản. Trong đó, nguồn tiền chủ yếu không phải từ vay ngân hàng hay huy động từ trái phiếu, mà là tiền nhận từ khách hàng. Kỳ vọng lớn nhất của doanh nghiệp là nhanh chóng khơi thông các điểm nghẽn pháp lý để nhanh chóng hoàn thành dự án, từ đó có dòng tiền về.
Các doanh nghiệp hồ hởi ra mắt dự án mở bán mới cũng nhằm đạt được kỳ vọng này. Đồng thời, họ dựa trên những dự báo tích cực của thị trường khi giao dịch bất động sản sẽ tiếp tục tăng trong quý IV/2024 và năm 2025 nhờ vào một số yếu tố như nguồn cung mới tăng trưởng khi nhiều dự án được mở bán và thủ tục pháp lý thuận lợi hơn; niềm tin của người mua tiếp tục được củng cố nhờ vào triển vọng phục hồi của thị trường; ổn định lãi suất vay mua nhà, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cơ sở hạ tầng...
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), giai đoạn hiện tại là tiền đề cho một chu kỳ mới, một sự phát triển mới của cả nền kinh tế lẫn thị trường bất động sản. Việc tăng tốc đầu tư công, tốc độ đô thị hóa cao (trên 40%)... chính là động lực tạo ra nhu cầu lớn về nhà ở, kinh doanh, đầu tư bất động sản. Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam, cũng cho rằng, các luật mới liên quan bất động sản được áp dụng đã kéo theo sự xuất hiện của nhiều cơ hội đầu tư mới. Sóng bất động sản có thể xuất hiện từ cuối năm 2024 và rõ ràng hơn trong năm 2025 sẽ phản ánh rõ nét sự khởi sắc của thị trường
Có thể bạn quan tâm
Thị trường bất động sản Việt Nam 2025: Chuyển dịch và Cơ hội