Chuyển nhượng dự án bất động sản đang tăng
Tiếp theo việc Vina Capital chuyển nhượng khách sạn Legend tại TPHCM cho Lotte Hotels & Resorts, trên thị trường đã xuất hiện tin đồn Gemadept bán toà tháp Gemadept Tower với giá 45,5 triệu USD, cũng như một Tập đoàn lớn trong nước bán một tổ hợp ở trung tâm TPHCM với giá trị ước đến 400 triệu USD.
Mặc dù các doanh nghiệp này chưa chính thức công bố thông tin, nhưng một số nguồn tin cho biết, việc thương thảo về mua bán những dự án này đã đi đến hồi kết; các thương vụ không sớm thì muộn cũng sẽ được công bố do bên bán là các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sohovietnam – công ty chuyên về môi giới mua bán dự án bất động sản, nhận xét, số lượng các dự án bất động sản đã chuyển nhượng thường lớn hơn những gì được công bố.
Mới đây, Sohovietnam đã môi giới thành công vụ chuyển nhượng toà nhà văn phòng tại 108-Lò Đúc (Hà Nội) với giá trị hơn 50 tỷ đồng.
Ông Cần cho biết, trước sức ép trả nợ ngân hàng cũng như kinh doanh thua lỗ, nhiều doanh nghiệp đã phải chấp nhận hạ giá chào bán dự án thấp hơn cách đây một năm.
Hiện Sohovietnam đang môi giới bán một toà nhà văn phòng đã hoạt động ở Hà Nội với giá chào bán 80 triệu USD, một cao ốc văn phòng - trung tâm thương mại 22 tầng tại TPHCM đã xây dựng xong phần thô với giá chào bán 700 tỷ đồng. Ngoài ra, Sohovietnam cũng như các bên mua bán đang tích cực đàm phán việc mua lại một mảnh đất xây cao ốc văn phòng tại Mỹ Đình - Hà Nội với giá trị khoảng 250 tỷ đồng, cùng một tổ hợp văn phòng - trung tâm thương mại - căn hộ đang xây dựng dở dang tại Mỹ Đình có giá chào khoảng 900 tỷ đồng.
Theo ông Cần, bên đi mua cũng bắt đầu tỏ ra quyết liệt hơn khi cơ hội thâu tóm đang rất lớn do giá đã giảm mạnh và thị trường vẫn chưa rõ ràng, nếu không sẽ vuột mất nếu thị trường có dấu hiệu phục hồi.
Trên thực tế, một số doanh nghiệp lớn một thời trong lĩnh vực bất động sản như CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) hay Tổng công ty cổ phần Vinaconex, có tiềm lực đi thâu tóm một số dự án trong thời kỳ thị trường bất động sản sốt nóng, giờ cũng buộc phải bán bớt danh mục đầu tư.
Sau khi thâu tóm Dự án Khu đô thị Hoà Hải ở Đà Nẵng, Sudico tuyên bố vào giữa năm 2010 là góp 70% vốn để hợp tác đầu tư Khu nghỉ dưỡng Cactus Cam Ranh Resort & Spa tại Khánh Hoà do CTCP Đầu tư và Phát triển Điện miền Trung làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 13,24ha, tổng vốn đầu tư 397 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trước tình hình kinh doanh lỗ khủng lên đến 302 tỷ đồng trong năm 2012 cũng như sức ép lãi vay từ các khoảng nợ lên đến hơn 1.000 tỷ đồng, một trong những biện pháp Sudico áp dụng là buộc phải cơ cấu lại danh mục đầu tư, trong đó, đã chính thức thoái vốn tại Dự án Cactus Cam Ranh Resort & Spa vào tháng 3/2013 và thu về 25 tỷ đồng vốn góp vào dự án này.
Vinaconex cũng đã phải vật lộn với khó khăn khi kết quả kinh doanh của công ty mẹ trong năm vừa qua lỗ 620 tỷ đồng. Tình thế này buộc Vinaconex phải bán bớt vốn trong các công ty con đang sở hữu các dự án bất động sản đình đám như Vinaconex - Hoàng Thành và Công ty Liên doanh TNHH Khu đô thị An Khánh.
Trong đó, Vinaconex đã bán hết vốn trong Vinaconex - Hoàng Thành (chủ đầu tư của Dự án Khu đô thị Park City rộng 70 ha tại quận Hà Đông, Hà Nội) và sau đó, vốn góp của phía Việt Nam trong dự án cũng được chuyển nhượng cho Perdana ParkCity, biến dự án này thành dự án 100% vốn nước ngoài.
Việc chuyển nhượng vốn góp của Vinaconex trong Công ty Liên doanh An Khánh (chủ đầu tư Khu đô thị Splendora tại Hoài Đức, Hà Nội) cũng dần đến chung kết. Theo báo cáo điều hành của Ban Tổng giám đốc Vinaconex, tên người mua đã được hé lộ.
Ông Lê Minh Dũng, Giám đốc CBRE nhận xét, phần lớn thương vụ chuyển nhượng dự án bất động sản năm 2012 diễn ra giữa các công ty trong nước. Song tình thế năm 2013 sẽ thay đổi khi các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng quay trở lại tìm cách thâu tóm các dự án bất động sản đang hoạt động, hơn là tìm kiếm các khu đất vàng ở trung tâm thành phố để xây mới.
Nguồn Báo Đầu tư