Ảnh: Zing.vn
Chuyên gia tiết lộ kênh đầu tư “hái ra tiền” khi Nhà Bè lên quận
Thị trường bất động sản thiết lập mặt bằng giá mới
Tại buổi làm việc của Hội nghị Thành ủy TP.HCM cuối năm 2019, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề tương lai phát triển của 5 huyện thuộc TP.HCM đến năm 2030. Theo đó, 4 huyện của TP.HCM bao gồm Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi có thể lên quận trong vài năm tới. Trong đó, Nhà Bè có thể sẽ lên quận sớm nhất.
Thông tin này ngay lập tức đã tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản tại huyện Nhà Bè, khiến giá nhà đất tại đây rục rịch tăng lên. Ghi nhận thực tế cho thấy, từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2020, giá đất tại Nhà Bè tăng 15-20%, tùy từng khu vực. Trong đó, khu vực có mức tăng lớn là giáp các đoạn đường chính như Lê Văn Lương, cao tốc Bến Lức - Long An hoặc khu vực giáp ranh quận 7. Xét theo loại hình, chung cư tăng giá 15-20%, đất nền dự án tăng 20-35%.
Cụ thể, cuối tháng 2, giá nhà mặt tiền đường Phạm Hữu Lầu phía quận 7 được rao bán ở mức 140 – 150 triệu đồng/m2, tăng 20 – 30 triệu đồng/m2 so với hồi cuối năm 2019. Giá chào bán một dự án căn hộ trên đường Nguyễn Lương Bằng là 45-60 triệu đồng/m2, dự án trên đường Nguyễn Hữu Thọ là 65-85 triệu đồng/m2.
Nhận định về giá đất tại Nhà Bè trong thời gian tới, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn chi nhánh TP.HCM cho rằng, trong ngắn hạn, giá đất khu vực này sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, trong dài hạn thì cần phải dựa vào các vấn đề hạ tầng, pháp lý, quy hoạch. Nhìn lại một số huyện tại Hà Nội được chuyển lên quận, tốc độ tăng giá có thể lên đến vài lần. Do đó, xét về dài hạn, bất động sản Nhà Bè là kênh đầu tư tiềm năng. Trong ngắn hạn, nhà đất tại đây vẫn sẽ có mức tăng giá đáng kể nhưng sẽ phụ thuộc vào vấn đề pháp lý, quy hoạch. Khi lên quận, đất nông nghiệp tại Nhà Bè (chiếm khoảng 3%) được chuyển thành đất thổ cư cũng sẽ mang đến cơ hội tăng giá.
Nhà đầu tư có nên lướt sóng?
Theo ông Tuấn, hiện đất nền hay các dự án liền thổ tại Nhà Bè đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Và đây sẽ là kênh đầu tư giúp nhà đầu tư thu lợi nhuận tốt. Tuy nhiên, đầu tư ở khu vực này không phải câu chuyện ngày một, ngày hai mà cần phải có lộ trình rõ ràng. Do đó, nhà đầu tư thì cần phải có lộ trình rõ ràng. Thông thường khi có một hạ tầng hoàn thiện thì giá đất sẽ được đẩy lên cao hơn. Chính vì vậy, khi tất cả hạ tầng hoàn thiện để lên quận thì giá đất sẽ được thiết lập mặt bằng giá mới. Lộ trình phù hợp để đầu tư là trong khoảng từ 2 -3 năm.
Để một bất động sản tăng giá theo thời gian thì phải đảm bảo các yếu tố. Thứ nhất là đầy đủ cơ sở vật chất, hạ tầng, tiện ích. Thứ hai là thời gian phân phối ngắn. Và thứ 3 là phải hình thành cộng đồng dân cư xung quanh. Hiện tại cũng đã có làn sóng đầu tư vào Nhà Bè. Với các nhà đầu tư có nguồn vốn nhỏ khoảng 1 tỷ đồng thì, các nhà đầu tư thường tập trung vào đất nền tại những vùng xa khu vực sốt đất như dọc tuyến đường gần cao tốc Long Thành – Bến Lức hay Cần Giuộc….
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam, cho rằng, giá trị đất đai luôn tăng theo giá trị đầu tư. Đi kèm với đất là cơ sở hạ tầng phù hợp mới nâng cao được giá trị của đất, chứ không phải từ một huyện lên thành quận là giá trị của đất đã tăng theo.
“Hơn 10 năm trước tại Hoài Đức, Mê Linh cũng rầm rộ chuyện tăng giá đất nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có đầu tư gì thêm. Hiện tại, nhiều dự án đã hoang hoá, vậy nên đừng nghĩ đến chuyện đất lên giá khi chưa có sự đầu tư đồng bộ. Tại Đông Anh vẫn là đại công trường, tất cả dự án vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, ngoài khu vực cầu Nhật Tân và trục QL5 mới còn lại vẫn mênh mông ruộng đồng. Trên thực tế, chuyện tăng giá theo chủ trương, định hướng, quy hoạch thì tăng đến 5% là hợp lý, chuyện tăng 20-50% là không thể”, ông Đính nhận định.
►Quy hoạch huyện lên quận: Cơn sốt đất vẫn chưa hạ nhiệt
►Cơn sốt đất nền mới tại 4 huyện TP.HCM chuẩn bị lên quận: Nhà đầu tư có nên đi tắt đón đầu?