Chưa phải lo ngại về sự đổ vỡ của thị trường bất động sản
Ông Nam dẫn số liệu chính thức mà ngành ngân hàng đưa ra cho biết, tổng dư nợ tín dụng bất động sản hiện nay, tính cả đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng nhà máy, hạ tầng, khu công nghiệp... chỉ chiếm khoảng 8%. Đây không phải con số lớn và vẫn thuộc ngưỡng an toàn.
Cũng theo ông Nam, thời gian qua, dư nợ bất động sản liên tục giảm, từ khoảng 270.000 tỷ đồng năm 2010 đến nay là khoảng 203.000 tỷ đồng. Nợ xấu của bất động sản khoảng hiện khoảng 3% hiện, tức là xấp xỉ mức nợ xấu trung bình của toàn hệ thống. Như vậy, hơn 90% dư nợ là nằm ở khối khác, không liên quan đến bất động sản như sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thủy sản...
Tuy nhiên, một số trường hợp cá biệt, ngân hàng thuộc sở hữu của các doanh nghiệp bất động sản, cho vay nội bộ, không theo chuẩn, thì tỷ lệ dư nợ bất động sản lên đến 30% - 50%. Còn nếu tính trên trung bình toàn hệ thống, nợ xấu của lĩnh vực bất động sản là thấp.
Hơn nữa, tài sản đảm bảo cơ bản là bất động sản, những khối lượng đo đếm được, giá trị thường đi lên theo thời gian. Thời gian qua, tài sản thế chấp được định giá so với giá thị trường tuy có giảm nhưng nhìn chung vẫn rất chắc chắn.
Ông Nam cho rằng, trong điều kiện nền kinh tế phát triển chậm, tính thanh khoản của các bất động sản thấp thì các doanh nghiệp gặp khó khăn là tất yếu. Tuy nhiên, khi kinh doanh, doanh nghiệp cũng phải tính toán, chuẩn bị tình huống xấu nhất để có giải pháp đối phó phù hợp. Doanh nghiệp bất động sản khó khăn nhưng chưa đến mức phá sản.
Nguồn Vneconomy